Không thể 'độc lập tác chiến'

Không thể 'độc lập tác chiến'
Trước việc khốn khó của nhiều hộ chăn nuôi lợn, chính quyền các cấp đã và đang đưa ra nhiều giải pháp “giải cứu”, hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua “cơn bão” này. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy vẫn chỉ mang tính tạm thời, trước mắt. Về lâu dài, giải pháp căn cơ không chỉ cho người chăn nuôi mà còn liên quan đến số phận của 12 triệu hộ nông dân. Họ không thể “độc lập tác chiến” mà phải liên kết. Đó cũng là yêu cầu cốt yếu của hành trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Cánh đồng mùa gặt.

Cách đây 30 năm, Việt Nam được biết đến là một nước thiếu thốn đủ đường, cái gì cũng phải nhập khẩu. Nhưng 30 năm sau, Việt Nam đã vươn mình là một trong những nước xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất thế giới. Chỉ cách đây 11 năm, tổng xuất khẩu cả nước như dầu thô, dệt may, da giày, nông sản…khoảng 32 tỷ USD nhưng nay xuất khẩu nông nghiệp bằng cả nước cách đây 11 năm. Đấy là thành tựu vô cùng to lớn. 

Xuất khẩu hồ tiêu đứng ở thứ nhất, điều đứng thứ hai thế giới. Gạo, thủy sản, cao su , chè đứng thứ ba thế giới. Đấy là “top” những sản phẩm xuất khẩu đứng thứ nhất đến thứ ba thế giới ở một nước mà 30 năm trước phải nhập khẩu toàn bộ…hẳn là một kỳ tích. Đặc biệt trong năm qua, xuất khẩu rau quả đạt 24,6 tỷ USD, lớn hơn xuất khẩu gạo, lớn hơn cả xuất khẩu dầu thô. Đó là những điều mà chưa ai dám nghĩ đến từ 5 năm trước. 

Đó cũng chính là một trong những thành tựu hết sức mạnh mẽ đáng tự hào của nông nghiệp và nông dân Việt Nam. Điều đó cho thấy tiềm năng và dự báo tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam. 

Tuy nhiên, điều đáng nói, với lợi thế như vậy nhưng thu nhập từ nông nghiệp của người nông dân lại rất thấp. Hiện nay, nông nghiệp bình quân chiếm khoảng 47% lao động cả nước nhưng đóng góp chỉ 19% tổng sản phẩm nội địa. Trong đó 47% lao động làm ra chưa đầy 20% sản phẩm quốc dân. Nếu tính ra như vậy cứ 1 người làm nông nghiệp chỉ bằng 24,6% giá trị 1 lao động công nghiệp dịch vụ tạo ra, tức là trên dưới 1/4 đến 1/3 hay nói một cách khác bình quân thu nhập nông dân bằng 1/3 đến 1/4 thu nhập công nhân, dịch vụ.

Đó cũng chính là lý do lý giải vì sao nhiều người bỏ nông nghiệp.

Như vậy bài toán đặt ra là vì sao nông nghiệp chúng ta phải có năng suất, kỹ thuật rất cao trong đó năng suất kỹ thuật, năng suất sinh học thuộc tốp đứng đầu thế giới nhưng thu nhập lại thấp. 

Từng có một thời gian dài theo dõi quá trình này khi còn làm Phó Thủ tướng Chính Phủ cho đến lúc chuyển sang cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân luôn trăn trở với câu hỏi: Vì sao nông nghiệp Việt Nam có năng suất, kỹ thuật cao để sản xuất ra các mặt hàng thuộc tốp đầu thế giới nhưng năng suất lao động và thu nhập của người nông dân lại chỉ bằng 1/3 so với các ngành nghề khác. Lý do khái quát nhất là vì mô hình sản xuất nông nghiệp dựa trên hộ cá thể là chính không liên kết với các hộ cá thể khác. Điều này không tương thích với kinh tế thị trường trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Do đó việc xác định mô hình sản xuất là gốc của vấn đề. 

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa diễn ra hôm 4/5, người đứng đầu Mặt trận tiếp tục đưa ra một số vấn đề mà theo ông cần phải quan tâm, chẳng hạn như vấn đề cổ phần hóa tại Trung ương và việc thực hiện mô hình hợp tác xã kiểu mới tại địa phương. Trong đó, cổ phần hóa ở Trung ương là tiền đề tạo động lực rất lớn còn ở địa phương chừng nào còn sản xuất hộ cá thể, và 3 triệu hộ nuôi lợn cứ “tác chiến” độc lập sẽ khó tồn tại. “Vì không thể nào điều phối được cho nên phải hình thành tổ hợp tác để cùng nhau làm đúng quy trình chứ chúng ta không thể kéo dài tình trạng này mãi được”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị. 

Hiện nay sản xuất ngành nghề nào cũng phải theo nhu cầu thị trường trong nước, nước ngoài. Bình quân mỗi hộ cá thể của Việt Nam có 2 lao động, diện tích canh tác từ 2.000m2 cho đến khoảng độ 1,2hecta. Không học kinh tế, những thành viên trong hộ cá thể này không thể biết thị trường cần gì, chỉ cần thấy nhiều người làm tốt có cái ăn là trồng, là nuôi theo, góp phần làm tăng sản lượng nhưng vô hình trung giá thành sẽ hạ xuống. 

Đó cũng là tình trạng chung của 12 triệu hộ nông dân Việt Nam. 

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, nói đến sản xuất thì cần phải có vốn nhưng ai cũng vậy, đã vay vốn thì phải có thế chấp nhất là vay trực tiếp. Nhưng người nông dân lấy gì thế chấp khi họ chỉ có một miếng đất vài nghìn m2 ngoài ra chẳng còn gì thì không thể lấy đó làm động lực để các ngân hàng nhiệt tình chào đón. 

Hiện nay trong sản xuất kinh tế thị trường, sản phẩm phải được xác nhận đảm bảo an toàn thì mới được thị trường chấp nhận. Nhưng với hệ thống quản lý chất lượng ở Việt Nam thời điểm này không có đủ người để đến tận 12 triệu hộ nông dân/năm xác nhận “an toàn”. Ngay kể cả một hộ cá thể tự bỏ tiền ra để xây dựng hệ thống sản xuất và để xác nhận cũng không là điều dễ dàng bởi chi phí cũng vô cùng tốn kém.  

Điều này có thể thấy rõ trong việc công nhận theo chứng chỉ VietGAP- nhiều hộ nông dân đã bỏ cuộc vì không có điều kiện để theo tới cùng. 

“Không có người” cũng là tình trạng tiếp tục diễn ra trong việc hỗ trợ tư vấn giúp đỡ 12 triệu hộ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Cùng với đó, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, tái cơ cấu nông nghiệp đang đặt ra bài toán phải liên kết. Có nhiều con đường để liên kết và con đường dễ thấy nhất đó là gắn với doanh nghiệp, trở thành người làm thuê cho doanh nghiệp. Đất có thể vẫn là của người nông dân nhưng doanh nghiệp yêu cầu người nông dân trồng cây này nuôi con kia theo lịch trình của họ, bằng giống vật tư mà họ cung cấp. 

Đây là mô hình tốt nhưng có phải là mô hình chủ yếu để đất nước phát triển hay không thì người đứng đầu Mặt trận rất trăn trở và đề nghị các chuyên gia nông nghiệp, kinh tế…cần bàn sâu hơn để không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào cho đất nước. 

Bởi vì hiện nay, mô hình liên kết ở trên thế giới được chọn nhiều nhất vẫn là HTX. Lấy dẫn chứng từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đức, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những hộ nông dân vẫn là cá thể nhưng họ liên kết trong HTX. 

Tại Việt Nam, trong thời điểm này, ai là người cần HTX, về mặt nguyên tắc, nông dân là người cần HTX nhưng theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, nông dân có niềm tin vào HTX không? Họ chỉ tin khi thấy được các mô hình thực tiễn thì mới làm theo, còn không thấy, làm sao tin được. Đó là đứng ở góc độ của người nông dân còn đứng ở góc độ của quản lý nhà nước, nếu thấy nông dân chưa muốn làm cũng không làm, để người dân tự nhận thức “từ từ đến đâu hay đến đó” thì đến bao giờ Luật Hợp tác xã 2012 mới đi vào cuộc sống, đến bao giờ nông dân mới thoát nghèo và có thu nhập cao?  Phương thức để giải bài toán đó là xây dựng các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả để người dân tin và làm theo. Cho nên, theo người đứng đầu Mặt trận, người cần HTX trong thời điểm này chính là Nhà nước. 

Nhưng các cơ quan nhà nước, các lãnh đạo địa phương có thực sự cần điều này? Do vậy, cho đến thời điểm này, trong bất cứ kỳ cuộc nào, người đứng đầu Mặt trận vẫn kiên định kêu gọi chính quyền các cấp cần phải thay đổi nhận thức về HTX. 

Nếu không thay đổi, “cơn bão” hạ giá làm điêu đứng hàng triệu hộ nuôi lợn vẫn có thể xảy đến với bất cứ hộ nông dân nào. 

Theo: Lê Na/daidoanket.vn