Không thể duy trì bảo hộ chăn nuôi khi vào TPP

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Trong bản cam kết của Việt Nam, lộ trình thuế dài nhất được áp dụng cho mặt hàng nông nghiệp đến 20 năm và với riêng mặt hàng thịt, chúng ta có 2 năm để chuẩn bị và 10 năm để đưa thuế nhập khẩu về 0%.
  

Theo ông Thái, lộ trình này áp dụng đối với một số loại nông sản và một số mặt hàng chúng ta không mở cửa. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của chúng ta khi một số mặt hàng nông sản còn yếu, cần có lộ trình để chuyển đổi khi tham gia Hiệp định TPP. Thậm chí chúng ta cũng đang có biện pháp quản lý chặt một số mặt hàng để hỗ trợ cho nông dân.

Việt Nam cố gắng tạo một không gian để nông dân có thể sản xuất, phát triển. Tuy nhiên một số mặt hàng không thể bảo hộ mãi mãi. Trong đó, ngành chăn nuôi như thịt, trứng, sữa cần phải phát triển cạnh tranh hơn, nhất là khi chúng ta gia nhập TPP.

Theo ông Thái, với thịt gà, lợn, thuế mà Việt Nam đang bảo hộ theo cam kết WTO và các tổ chức khác, chỉ dao động từ 15-20%. Trong khi mức độ chênh lệch chi phí sản xuất giữa chúng ta với các nước cao hơn mức này rất nhiều. Vì vậy, kể cả mức hiện hành khi chúng ta chưa cam kết về TPP nếu cạnh tranh đàng hoàng, chúng ta cũng không đủ năng lực.

Về thịt, trứng, Việt Nam vẫn bảo hộ với hạn ngạch thuế quan với số lượng rất nhỏ. Từ trước đến nay Việt Nam chưa nhập quả trứng nào qua đường chính ngạch. Tất cả đều qua đường tiểu ngạch, nên chúng ta chưa mở cửa được. Tuy nhiên, với thịt chúng ta có 2 năm để chuẩn bị và 10 năm để đưa thuế về 0%, trung bình mỗi năm giảm 1,5%.

Có một nghịch lý, người dân lao động nước ta thu nhập rất thấp nhưng phải trả tiền thịt cao hơn các nước khác đến 50%. Tại sao chúng ta không gây áp lực để buộc sản xuất ra các sản phẩm với chi phí thấp hơn? Vì vậy, ngành chăn nuôi cũng có sự hy sinh nhất định.

Trả lời câu hỏi về việc, liệu ngành chăn nuôi có phải hy sinh quá nhiều khi vào TPP, ông Thái cho biết: “Nếu Việt Nam duy trì bảo hộ như bây giờ thì chi phí sản xuất không đổi. Chính vì vậy, chúng ta phải quyết tâm thay đổi. Có những nghịch lý như sữa, khi được bảo hộ thì nhiều năm liền không phát triển. Nhưng khi Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do với Úc, New Zealand mở cửa thị trường thì mặc dù thuế nhập khẩu hạ, nhưng sản xuất sữa lại tăng. Tôi nghĩ có lẽ vì quy mô thị trường đủ lớn, luật cạnh tranh đã giúp thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi.

“Khi chúng ta vào TPP, các doanh nghiệp Việt Nam đều không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ luật chơi. Tất nhiên vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết như chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi còn cao, đầu ra chưa ổn định... Nhưng chúng ta phải khắc phục chứ không phải duy trì bảo hộ để tạo ra các sản phẩm với chi phí lớn và người dân phải chịu”- ông Thái nói.

Theo danviet..vn