Khuyến nông TPHCM - Không chỉ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), khoa học kỹ thuật (KHKT) đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, trong đó, khuyến nông có vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ. Giờ đây, không chỉ nhà nước làm công tác khuyến nông mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp cũng có đội ngũ khuyến nông riêng, góp phần xã hội hóa lĩnh vực mà trước đây còn khá xa lạ với bà con nông dân.

 

Góp phần chuyển đổi vùng đất hoang hóa

Một trong những địa phương đi đầu công tác khuyến nông cả nước là TPHCM. Đầu những năm 1990, TPHCM đưa hoạt động khuyến nông trở thành hoạt động chuyên trách như: chương trình khuyến nông của Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường với sự cộng tác của nhiều cơ quan như Sở NN-PTNT, Đoàn TNCS, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM; Các câu lạc bộ khuyến nông của Phòng Nông nghiệp huyện Bình Chánh (tiền thân là Đội dịch vụ kỹ thuật của Công ty Cây trồng Bình Chánh), Câu lạc bộ Nông dân sản xuất giỏi của Công ty Cây trồng huyện Thủ Đức. Nhưng các tổ chức trên vẫn chưa hoạt động theo một hệ thống xuyên suốt; lực lượng cán bộ và kinh phí hạn hẹp, không ổn định. Đầu tháng 11-1992, UBND thành lập Trung tâm Nghiên cứu KHKT - Khuyến nông TPHCM và từ năm 2006 đến nay là Trung tâm Khuyến nông TPHCM.

Thời gian đầu, hoạt động khuyến nông chủ yếu tập trung hướng dẫn bà con nông dân canh tác đúng kỹ thuật, giới thiệu giống mới về các loại cây, con có năng suất, chất lượng cao như góp phần nạc hóa 60% đàn heo (1999), giống gà cao sản chuyên thịt như Brownick, Isa Brown, vịt siêu thịt CV Super meat, siêu trứng Khaki Cambell, vịt lai chạy đồng… được bà con áp dụng với lợi nhuận cao hơn giống vịt địa phương bình quân 10%-15%. Giới thiệu các giống đậu phộng, rau mới và giống lúa giúp từng bước thay đổi cơ cấu giống lúa địa phương như Khaodawk Mali, Jasmine… Nhưng điểm nhấn hoạt động khuyến nông TP là góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp TP, đặc biệt ở 2 huyện Cần Giờ và Nhà Bè (cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000), khu vực từ bao đời nay bà con chỉ biết trồng lúa 1 vụ, năng suất thấp, thời gian còn lại bà con sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Nhiều vùng đất 2 huyện bị bỏ hoang vì phèn, mặn.

Từ việc phát hiện ra nhân tố mới, nuôi tôm sú trên vùng nước lợ, Trung tâm Khuyến nông TP đã nhanh chóng xây dựng một số mô hình tại 2 huyện, từ đó đã giúp chuyển đổi và vực dậy cả khu vực 2 huyện nghèo nhất, hàng năm TP phải cứu đói mùa giáp hạt. Từ khi bà con chuyển qua nuôi tôm sú, cùng với nhà đầu tư nội thành về đây sang nhượng hay thuê đất cùng nuôi tôm sú đã biến vùng đất từ chỗ hoang hóa thành nơi thu hút nhiều nhà đầu tư. Diện tích nuôi tôm sú 2 huyện từ con số 0 lên 6.000ha chỉ trong 3 năm (2000 - 2003). Kéo theo một loạt các hoạt động và dịch vụ đi kèm như cửa hàng thức ăn chăn nuôi, trại tôm giống, TP còn xây dựng Trung tâm Giao dịch thủy sản Cần Giờ để hỗ trợ tiêu thụ. Tạo ra sản lượng xấp xỉ 8.000 tấn/năm, giá trị trên 500 tỷ đồng, lợi nhuận của bà con tăng từ 52 đến 200 lần so trồng lúa. Bà con khấm khá lên, không còn tình trạng cứu đói. Có giai đoạn, chỉ riêng ngành thủy sản, trong đó chủ yếu là tôm sú đã góp phần quan trọng để vực dậy cả ngành nông nghiệp TP vốn bị trì trệ vì trồng trọt suy giảm và đô thị hóa. Việc phát hiện các nhân tố mới và nhân rộng của ngành khuyến nông đã giúp TP xác định hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đầu tiên với 2 cây (rau an toàn, dứa Cayen) và 2 con (bò sữa, tôm sú) làm trọng tâm.

Nòng cốt chuyển dịch nông nghiệp đô thị

Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng suy giảm, cần tìm ra cây, con có giá trị kinh tế cao, ít sử dụng đất thì việc chuyển đổi nhanh diện tích lúa sang các loại cây con khác là yêu cầu cấp bách. Từ năm 2006 đến nay, TP xác định phải chuyển sang nông nghiệp đô thị và xác định: hoa, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn cùng với bò sữa, cá sấu là thế mạnh của TP. Và khuyến nông TP cùng với các bộ phận khác của ngành nông nghiệp lại lao vào nhiệm vụ mới, nặng nề. Bởi chuyển đổi nhận thức của bà con, đồng ý thay đổi cách làm, đặc biệt là tập quán trồng lúa lâu đời không phải dễ dàng.

Cùng với Chi cục Bảo vệ thực vật, địa phương, ngành khuyến nông TP góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi 11.000ha lúa sang các loại cây con giá trị cao ở các huyện ngoại thành và quận ven như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 2, 7, 9, 12. Vai trò của khuyến nông không còn dừng lại ở việc chuyển giao khoa học công nghệ. Bên cạnh hỗ trợ quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn, Trung tâm Khuyến nông còn là nhân tố khuyến khích phát triển hình thức sản xuất tập thể, lập hợp tác xã và 18 tổ sản xuất rau an toàn với hơn 800 hộ dân tham gia… Nhờ đó, diện tích rau an toàn từ 200ha năm 2001 đã lên trên 5.700ha đất canh tác. Trên 95% diện tích sử dụng giống lai F1, thay đổi tập quán sử dụng lại giống cũ để sản xuất.

Giai đoạn 2006 - 2010, cùng với nhiều đơn vị thuộc Sở NN-PTNT, hoạt động khuyến nông đóng góp tích cực vào quá trình chuyển hướng về chất trong sản xuất nông nghiệp. Các loại cây trồng, vật nuôi truyền thống được thay thế dần bởi cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Bước đầu tạo được các sản phẩm nông nghiệp đô thị đặc trưng và mang tính hàng hóa như diện tích hoa kiểng lên khoảng 2.000ha, sản lượng cá cảnh lên trên 50 triệu con... Sản xuất ngày ổn định, chuyên nghiệp hơn và hiện đại hơn, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân - từ 32 triệu đồng/ha/năm 2000 lên trên 155 triệu đồng năm 2011. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông đã tích cực hỗ trợ, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả tại các xã xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2011 - 2015.

Theo sggp.org.vn