Khuyến nông góp phần xây dựng nông thôn mới
- Thứ hai - 08/04/2013 20:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mô hình nuôi vịt an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai đã mang lại hiệu quả cao,
giúp người nông dân phát triển chăn nuôi
Trung bình mỗi năm, hệ thống khuyến nông trong tỉnh tổ chức được 1.800 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho trên 120 nghìn lượt nông dân tham dự, cấp phát trên 130 nghìn bộ tài liệu kỹ thuật. Với nhiều hình thức tập huấn khác nhau, linh động, phù hợp với từng hoàn cảnh, thời gian (tập huấn tại hội trường, hiện trường, thực hành, tổ chức các lớp tập huấn đầu bờ, đầu chuồng theo phương pháp cầm tay chỉ việc...) đã giúp nâng cao hiệu quả phù hợp với trình độ, nhận thức, đặc thù sản xuất, tập quán canh tác ở từng vùng. Qua đó, đã cung cấp cho người dân những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, thông tin thị trường, các quy trình kỹ thuật thâm canh, sản xuất. Nhờ vậy, kiến thức và kỹ năng của người dân được nâng lên, giúp nâng cao tay nghề, trình độ sản xuất, bỏ thói quen, tập quán canh tác lạc hậu...
Anh Tăng Bá Đô ở xã Thanh Lang (Thanh Hà) cho biết: "Trước đây, do chưa được tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, thâm canh cây trồng, nuôi thuỷ sản nên hiệu quả trong chăn nuôi của gia đình tôi không cao. Từ khi tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tôi đã có kiến thức áp dụng vào sản xuất cùng với những kinh nghiệm có được nên việc chăn nuôi, trồng trọt của gia đình tôi phát triển thuận lợi, cây trồng, vật nuôi ít bị dịch bệnh". Được biết, trước đây, gia đình anh Đô là hộ nghèo, nay không những đã vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành hộ làm ăn giỏi trong xã. Năm 2011 và 2012, gia đình anh đều thu khoảng 350 triệu đồng từ mô hình trồng sắn dây và nuôi cá, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi khoảng 100 triệu đồng.
Bên cạnh những hiệu quả có được từ các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thuỷ sản, những lớp tập huấn về xử lý môi trường cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Anh Nguyễn Văn Nam ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) cho biết: "Gia đình tôi làm nghề xay xát gạo và nấu rượu. Trung bình mỗi năm tôi nuôi 100 con lợn thịt và 1-2 con lợn nái. Do vậy, lượng chất thải từ chăn nuôi rất nhiều mà chủ yếu thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường, nhất là khi trời nắng hoặc mưa to, mùi hôi thối bốc lên càng nặng. Những hộ dân bên cạnh đã nhiều lần có ý kiến khiến tình làng nghĩa xóm bị rạn nứt, nhưng gia đình tôi không thể không chăn nuôi khi đã đầu tư chuồng trại. Năm 2006, sau khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức lớp tập huấn về lợi ích và hiệu quả của sử dụng công trình khí sinh học, tôi đã xây dựng hầm bi-ô-ga để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Nhờ đó đã giải quyết được các vấn đề về môi trường, tình làng nghĩa xóm được nối lại".
Song song với tập huấn kỹ thuật, việc xây dựng các mô hình cũng luôn được trung tâm quan tâm thực hiện. Nhiều năm qua, những thành công của các mô hình: vỗ béo bò thịt, chăn nuôi ngan, vịt thịt an toàn sinh học, mô hình lợn nái ngoại, mô hình lúa lai, lúa chất lượng, trồng ngô, khoai tây, mô hình ứng dụng công nghệ sạ hàng vào gieo thẳng lúa, nuôi ghép cá chép, cá trắm, thâm canh tôm càng xanh... được trung tâm triển khai đã giúp người dân hiểu được hiệu quả của việc sử dụng giống tốt, canh tác, thâm canh theo khoa học, từ đó mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô và làm giàu từ phát triển kinh tế nông nghiệp. Anh Nguyễn Văn Dụ ở thôn Thượng Đỗ (xã Thượng Vũ, Kim Thành) cho biết: "Trước đây, tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ 5-10 con lợn thịt, không dám nuôi nhiều một phần sợ dịch bệnh, một phần do không có kỹ thuật. Năm 2009, tôi tham gia mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản hướng nạc do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Tham gia mô hình, tôi được trung tâm cho đi tập huấn, đi tham quan thực tế các mô hình nuôi lợn có hiệu quả kinh tế cao trong tỉnh và quan trọng hơn là đã được thực hành kỹ thuật chăn nuôi ngay trên đàn lợn của nhà. Từ thành công của mô hình cộng với kiến thức có được, tôi mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng từ chăn nuôi lợn". Không những thế, anh Dụ còn hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ khác phát triển và làm giàu từ chăn nuôi.
Có thể nói, công tác khuyến nông luôn được coi là người bạn của người dân, là một mắt xích quan trọng giữa nông dân với nhà khoa học, Nhà nước và nhà doanh nghiệp giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất nông nghiệp làm tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, giúp giảm nghèo, tăng thu nhập cho người nông dân. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
baohaiduong.vn