Kiểm tra công tác đào tạo nghề nông nghiệp và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo

Kiểm tra công tác đào tạo nghề nông nghiệp và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo
Từ ngày 13/7 đến 16/7/2016, Cục Kinh tế hợp tác phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kiểm tra đánh giá công tác đào tạo nghề (ĐTN) tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc chương trình 135 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020 tỉnh Thừa thiên Huế và Quảng Trị.

 

 

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó cục Trưởng cục Kinh tế hợp tác và PTNT chủ trì đoàn kiểm tra.

Lần kiểm tra lần này nhằm xác định nhu cầu của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch ĐTN giai đoạn 2017 -2020, đánh giá việc lồng ghép ĐTN với các mô hình dự án khuyến nông và đánh giá tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo.

Đoàn kiểm tra làm việc tại xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Các xã thuộc chương trình 135 (xã Hồng Hạ, huyện A Lưới và xã Linh Thượng, huyện Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị) là các xã có trên 90% người dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 39,45% và 71,5% dân số. Năm 2016, kinh phí được cấp để hỗ trợ sản xuất khoảng 300 triệu đồng/xã/năm, chủ yếu hỗ trợ con giống và giống cây trồng để người dân sản xuất. Tuy nhiên, hiệu quả chương trình hỗ trợ sản xuất còn thấp, tỷ lệ các hộ duy trì sản xuất sau một chu trình sản xuất rất thấp, chiếm dưới 5%. Các hộ nông dân chưa được ĐTN nông nghiệp, chỉ được tham gia tập huấn 01 buổi khi triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ sản xuất.

Các xã bãi ngang là: xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là xã bãi ngang ven biển có 9 thôn, trong đó 4 thôn bãi ngang và xã Trung Giang huyện Gio Linh, Quảng Trị có 1075 hộ, trong đó có 429 hộ tham gia đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, chiếm 21,8 % lao động trong toàn xã.

Theo ông Nguyễn Đính, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, mục tiêu của Đảng ủy và nhân dân xã là hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2017. Tuy nhiên do sự cố xả chất thải làm ô nhiễm môi trường biển của nhà máy luyện gang thép Formosa, người dân đánh bắt và nuôi trồng thủy sản không có công ăn việc làm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người toàn xã giảm từ 24 triệu đồng năm 2015 dự kiến xuống còn 15 triệu đồng năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo tăng… Mục tiêu về đích trong xây dựng nông thôn mới khó thực hiện được theo kế hoạch.

 

Đoàn làm việc với đại diện xã Trung Giang huyện Gio Linh, Quảng Trị 

 

Những năm gần đây, các xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện, Trung tâm Tập huấn dạy nghề để ĐTN cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, số lượng lớp đào tạo còn ít, chỉ 1-2 lớp/năm., Các lớp chủ yếu là bổ sung kiến thức cơ bản trong trồng trọt và chăn nuôi, ban đầu đã có sự lồng ghép giữa chương trình ĐTN với các mô hình khuyến nông trên địa bàn xã. Hiện tại, người lao động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản không có công ăn việc làm, đang có nhu được đào tạo chuyển nghề, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập.

Tại các buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã nghe báo cáo kết quả thực hiện đào tạo nghề của Chi cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp, UBND xã. Đoàn đã có ý kiến chỉ đạo, nhằm tháo gỡ những vướng mắc và gợi ý những chiến lược dài hạn trong công tác ĐTN nông nghiệp và trong thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo tại địa phương. Nội dung chỉ đạo như sau:

Thứ nhất, ĐTN nông nghiệp cho người nghèo phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, gắn với chương trình hỗ trợ sản xuất của chương trình 135 và chương trình giảm nghèo bền vững, đào tạo tập trung những nghề cần thiết nhất, đào tạo theo chu trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng vật nuôi. ĐTN tại địa bàn sản xuất của người dân.

Thứ hai, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi cục kinh tế hợp tác và PTNT, trung tâm khuyến nông, trạm khuyến nông, các trung tâm dạy nghề, phòng nông nghiệp huyện, và UBND xã trong công tác xác định nhu cầu đào tạo , để xây dựng kế hoạch cho đúng nhu cầu.

Thứ ba, phòng Nông nghiệp chỉ đạo và hướng dẫn UBND xã lập kế hoạch sản xuất, đặc biệt là kế hoạch chuyển đổi nghề cho đối tượng ngư dân, xây dựng kế hoạch ĐTN gắn với mô hình khuyến nông và quy hoạch phát triển sản xuất của từng xã trên nguyên tắc phát huy tối đa nguồn lực của địa phương.

Thứ tư, Chi cục kinh tế hợp tác và PTNT đánh giá kết quả ĐTN, kết quả thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững tham mưu cho Sở Nông nghiệp tỉnh để có đề xuất những khó khăn vướng mắc tới Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và PTNT giải quyết theo thẩm quyền.

Thứ năm, để chương trình ĐTN gắn với chương trình 135 hiệu quả, cần xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí sớm để tập huấn kịp thời vụ sản xuất nông nghiệp. Cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho nông dân sau ĐTN. Cần xây dựng một số mô hình điểm về ĐTN gắn với doanh nghiệp và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ĐTN nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.

Đoàn đến thăm gia đình ông Hồ Đăng Trong trồng nén tại thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang huyện Gio Linh, Quảng Trị. 

 
Theo Lê Hữu Nghĩa/khuyennongvn.gov.vn