Kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng ở Phúc Thọ: Chậm do thiếu kinh phí

Kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng ở Phúc Thọ: Chậm do thiếu kinh phí
"Sau dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), chỉ vài công trình giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng, còn lại là đường đất. Chúng tôi nghĩ rằng, đã xây dựng nông thôn mới (NTM) thì những con đường mới xây dựng phải đúng với ý nghĩa của nó..." - Đây là phản ánh của người dân xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ gửi tới Báo Hànộimới. Để rõ nguyên nhân, phóng viên đã làm việc với chính quyền địa phương và cơ quan có liên quan.
Phần lớn hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng xã Hát Môn chưa được cứng hóa.
Phần lớn hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng xã Hát Môn chưa được cứng hóa.

Trong xây dựng NTM, xã Hát Môn nói riêng và một số địa phương của huyện Phúc Thọ đã chọn DĐĐT là khâu đột phá. Thị sát trên cánh đồng Tranh của cụm 2 và 3, ruộng đồng ở đây được quy hoạch gọn gàng đã khắc phục được tình trạng manh mún, tạo cơ sở cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn... Theo ông Phạm Đình Hòa ở cụm 7, người dân trong xã rất phấn khởi vì trong quá trình DĐĐT, đường giao thông nội đồng được bê tông hóa, nhưng cũng chạnh lòng bởi còn nhiều con đường có cũng như không, nhất là khi trời mưa, đường lầy lội, sạt lở lem nhem. Ông Hòa đề nghị, thành phố đã có chủ trương thì sớm hỗ trợ cứng hóa toàn bộ hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng mới mang lại hiệu quả lâu dài, vững chắc.

Ông Nguyễn Thiện Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hát Môn cho biết, Hát Môn đã cơ bản hoàn thành DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn 1-2 ô, thửa. Tuy nhiên, sau DĐĐT, địa phương mới hoàn thành công tác đào đắp định hình giao thông nội đồng và kênh mương mà chưa cứng hóa. Toàn xã có hơn 43km giao thông nội đồng, mới cứng hóa được 2,5km, đạt 5,79%. Hệ thống kênh mương do xã quản lý là 27,2km, đã cứng hóa được 7,2km, còn lại là mương đất, chiếm 73,53%. Theo ông Minh, cái khó của Hát Môn là thiếu kinh phí đầu tư. Việc huy động nhân dân cùng đóng góp kinh phí gặp khó khăn do thu nhập của người dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Vả lại, sau DĐĐT, nếu đường chưa ổn định, độ lún chưa đều thì cũng không thể thực hiện ngay việc cứng hóa.

Ở huyện Phúc Thọ, hầu hết các xã đều đang lúng túng trong việc huy động nguồn kinh phí cho kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng. Theo ông Doãn Văn Hà, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, kênh cấp 3, cấp 4 do các xã quản lý đều là kênh đất nên việc tưới tiêu gặp nhiều khó khăn, có nơi còn bị động trong sản xuất. Sau DĐĐT, các tuyến kênh, đường mới đào đắp chưa ổn định, thường xuyên bị sạt lở, bồi lấp, chỉ cần mưa dưới 200mm là ngập úng, phải bơm tiêu hàng tuần. Sau 3 năm thực hiện Chương trình 02, Phúc Thọ mới xây dựng được 3 trạm bơm, kiên cố hóa 44,8km kênh cấp 3, thi công đưa vào sử dụng gần 110km giao thông nông thôn và 7,6km giao thông trục chính nội đồng. Mới đây, Phúc Thọ triển khai cứng hóa kênh mương cấp 3, cấp 4 bằng phương pháp lắp bê tông cốt thép đúc sẵn thành mỏng nhưng vẫn chỉ dừng ở việc thí điểm trên đồng đất xã Trạch Mỹ Lộc và Thọ Lộc, mỗi xã 1km, chưa thể nhân rộng do thiếu kinh phí. Theo ông Hà, ý kiến người dân đề nghị đầu tư hoàn thiện cứng hóa giao thông nội đồng, kênh mương để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn là có cơ sở.

Theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-7-2012 của UBND TP Hà Nội thì kinh phí hỗ trợ toàn bộ bằng tiền để mua vật tư khi thực hiện kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng cho các xã, trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 80% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách huyện hỗ trợ 20%. Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được duyệt, UBND cấp xã lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán kinh phí trình cấp huyện quyết định bổ sung. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc lập, thẩm định phương án kỹ thuật và dự toán ở hầu hết các địa phương đều chậm, trong khi ngân sách thành phố lại chưa bổ sung đầy đủ, kịp thời cho các huyện, thị xã. 
Theo hanoimoi.com.vn