Kiến trúc vì cộng đồng
- Thứ hai - 25/09/2017 21:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Công trình kiến trúc vì cộng đồng của KTS Hoàng Thúc Hào.
Chương trình có sự tham gia của các KTS hàng đầu trong nước và các KTS tên tuổi của Đức, Pháp, Nhật… Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về mối quan hệ giữa kiến trúc và triết lý trong mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trước bối cảnh những công trình xây dựng không ngừng gia tăng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, làm biến đổi cảnh quan, môi trường và không gian sống xung quanh.
Hội thảo cung cấp cho người nghe nhiều thông tin, cũng như chia sẻ đam mê của những người trong ngành kiến trúc. Đặc biệt trong đó là xu hướng kiến trúc hiện đại, xu hướng kiến trúc gần gũi với thiên nhiên, những thách thức mà mỗi KTS phải đương đầu để sáng tạo và thực hiện trách nhiệm xã hội của họ.
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều KTS đồng tình rằng để có được sự phát triển trong hoạt động kiến trúc, thay đổi lớn nhất, cần nhất là về tư duy, nhận thức. Điều quan trọng để sáng tạo, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên, câu chuyện trách nhiệm xã hội của KTS được đề cập. Trước đó đã có nhiều hội thảo đề cập tới chủ đề này. KTS Nguyễn Thu Phong - chủ nhiệm CLB KTS trẻ Việt Nam từng chia sẻ rằng khái niệm “kiến trúc vì cộng đồng” có từ những năm 60 của thế kỷ trước, bắt đầu từ lời kêu gọi “hãy vì cộng đồng” của LHQ với các thiện nguyện về y tế, giáo dục, nông nghiệp đi đến các vùng xảy ra thiên tai động đất, sóng thần, hạn hán, lũ lụt… để giúp đỡ các nạn nhân.
Đặt vấn đề một cách khác, nếu KTS không lĩnh trách nhiệm tiên phong xã hội trong việc kiến thiết những công trình mang tính chất đặc thù, với mục đích nhân văn hỗ trợ các cộng đồng và nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội, mà ngồi chờ các đơn đặt hàng với nguồn vốn sẵn có, thì e rằng chúng ta thực hiện việc này chậm trễ và thiếu tính chủ động.
Ở góc độ này cho thấy kiến trúc vì cộng đồng là một kiến trúc xuất phát từ tính cao cả, sự nhân văn trong mục đích sử dụng và tính hiệu quả trong quá trình kêu gọi đầu tư. Tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân và trách nhiệm của người làm nghề sẽ phát huy một cách cao cả khi KTS dấn thân làm công trình kiến trúc vì cộng đồng.
Còn KTS Võ Trọng Nghĩa cho hay: Trách nhiệm của chúng tôi, của những người làm kiến trúc, là phải trả lại màu xanh cho Trái đất này. Thiếu mảng xanh tạo nên áp lực khủng khiếp cho người dân sống trong thành phố, người lớn thì bị stress, trẻ em có quá ít chỗ để chơi, dẫn đến có quá nhiều trẻ em bị thiếu năng động hay tự kỷ...
Trong khi tổng diện tích cây xanh trên đầu người ở những thành phố lớn là cả trăm m2 cây xanh/người, thì ở Hà Nội chỉ 1m2 cây xanh/người. TP HCM thậm chí còn thấp hơn. Đây là vấn đề của chung tất cả mọi người, mọi người phải đầu tư các mảng xanh ngay chính ngôi nhà mình đang ở, nếu mong muốn có được một đô thị xanh trong tương lai.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà gần đây, những cuộc gặp gỡ thường niên của các hội viên Hội KTS Việt Nam và giới KTS cả nước đã lựa chọn chủ đề “Kiến trúc vì cộng đồng”, hoặc bàn câu chuyện trách nhiệm xã hội của KTS. Mới đây tại Liên hoan Kiến trúc 2017 xu hướng “Kiến trúc vì cộng đồng” cũng được coi là một trong những nội dung quan trọng.
KTS Hoàng Thúc Hào cho biết: Kiến trúc vì cộng đồng được thế giới đặc biệt quan tâm chú ý. Những năm gần đây, nhiều giải thưởng danh giá của thế giới cũng được trao cho loại hình kiến trúc này. Kiến trúc vì cộng đồng được hiểu là những công trình nhà ở, được tạo ra bởi những loại vật liệu rẻ, giá rẻ, dễ tái sử dụng, nhưng lại có khả năng chống chịu bão gió, động đất, ngập lụt.
Định nghĩa chuẩn về kiến trúc vì cộng đồng ít nhiều sẽ liên quan tới trách nhiệm xã hội của giới KTS. Mà nói như cách của KTS Hoàng Thúc Hào: Nghệ thuật nào cũng vậy phải có tính nhân văn. Sáng tạo trước hết vì tương lai con người và thứ hai là vì tương lai văn hóa. Kiến trúc sư chỉ có 2 điều ấy thôi, không nên nhân danh bất cứ điều nào khác.
Minh Hà/daidoanket.vn