Kinh nghiệm của An Thạnh Nhất: Tạo được lòng tin trong nhân dân

Kinh nghiệm của An Thạnh Nhất: Tạo được lòng tin trong nhân dân
Năm 2010, An Thạnh Nhất (Cù Lao Dung) được chọn là 1 trong 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh Sóc Trăng. Đây là niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Tuy còn không ít khó khăn nhưng phát huy truyền thống của quê hương, Đảng bộ và nhân dân An Thạnh Nhất đã đồng lòng, chung sức thực hiện chương trình. Và An Thạnh Nhất đã đạt 19/19 tiêu chí, trở thành xã đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng cán đích NTM.

 

Theo ông Đoàn Phước Tùng, Chủ tịch UBND xã, ngay từ khi bắt tay vào XDNTM, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về mục tiêu XDNTM gắn với Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình. Cán bộ, đảng viên phải là người làm gương, đi đầu. Ban chỉ đạo xã rất tâm huyết với công tác tuyên truyền, tận dụng những tiêu chí nào do người dân cùng làm thì tranh thủ làm trước, những tiêu chí nào cần nguồn vốn đầu tư của nhà nước thì có kế hoạch hằng năm để sớm đạt được chỉ tiêu đề ra. Người dân ở đây nhiệt tình đóng góp cả về vật chất và ngày công lao động.

Nhờ tạo được lòng tin trong nhân dân, tuyên truyền sâu rộng, người dân hiểu rõ, nên trong tổng kinh phí thực hiện XDNTM của An Thạnh Nhất là 246,235 tỷ đồng thì nhân dân đóng góp 99,037 tỉ đồng (trên 40,22%). 

Thống kê của xã cho thấy, thời gian qua, bà con đã đóng góp trên 6,6 tỷ đồng để XDNTM. Điển hình như hộ ông Trần Văn Chiêu, đóng góp 300 triệu đồng và hiến gần một công đất trị giá 150 triệu đồng; ông Nguyễn Hồng Tiến hiến trên 2.000m2 đất, trị giá 240 triệu đồng. Tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa theo tiêu chuẩn đạt 100%, có gần 70% đường trục ấp được bê - tông hóa và 100% đường ngõ, xóm được lót đal sạch đẹp, thuận tiện đi lại cả 2 mùa mưa nắng.  

Từ chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, đến nay, hệ thống hạ tầng ở An Thạnh Nhất được chú trọng đầu tư, 72% nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, không còn nhà tạm dột nát; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,08%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 90,99%; thu nhập bình quân đạt 30,5 triệu đồng/người/năm; 72,3% người dân tham gia bảo hiểm y tế; xã có 3 ấp thì cả 3 đều đạt danh hiệu Ấp văn hóa 5 năm liền,….

Bà Nguyễn Thị Diệu (ấp An Trung) phấn khởi cho biết: “XDNTM đã đem đến nhiều đổi thay trong cuộc sống của nhân dân. Tệ nạn xã hội giảm nhiều, trường học đạt chuẩn, đường sá được mở rộng, chợ búa thuận tiện, đời sống người dân được cải thiện nên ai cũng phấn khởi”.

“Từ khi bắt tay vào XDNTM, ý thức của bà con nâng cao hơn hẳn. Bây giờ, tuyến đường chạy qua xã về trung tâm huyện đã được chúng tôi chủ trương cho bà con trồng hoa hai bên nên đường sạch và đẹp hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cho trồng hoa hai bên đường của các tuyến đường trong xã”, ông Tùng nói.

Theo: kinhtenongthon.com.vn