Kinh nghiệm giúp Nam Cao cán đích: Phát huy nội lực
- Thứ bảy - 30/07/2016 08:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhà văn hóa xã Nam Cao.
Ông Nguyễn Thiên Định, Chủ tịch UBND xã Nam Cao, cho biết: Qua 5 năm triển khai Chương trình MTQG XDNTM, chính quyền xã đã nỗ lực huy động sức dân, tập trung mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình hỗ trợ kinh phí để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM. Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng tâm của xã vẫn là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con. Chính vì vậy, xã đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét.
Nam Cao đã triển khai thực hiện đề án sản xuất trên 3 vùng quy hoạch: Vùng chuyên lúa (18,708ha), vùng đất xen canh lúa-màu (83,528ha), vùng lúa chất lượng cao (145,459ha). Đưa giống lúa năng suất cao, phẩm chất tốt vào vùng quy hoạch sản xuất làm hàng hóa và cây màu vụ đông, năng suất lúa hàng năm đạt 130 tạ/ha trở lên. Bên cạnh đó, công tác dồn điền thổi thửa, xây dựng hạ tầng đồng ruộng được chú trọng; năm 2011 công tác dồn điền đổi thửa được thực hiện với bình quân 1,67 thửa/hộ, giảm 1,881 thửa/hộ.
Xác định giao thông nội đồng là cần thiết cho nông dân nên việc xây dựng hạ tầng đồng ruộng cần phải được triển khai sớm. Toàn xã đào đắp 100% khối lượng đường trục chính, bờ thửa theo quy hoạch với tổng chiều dài 40.919 m, khối lượng đào đắp 34.405,1m3. Nhân dân góp đất làm giao thông thủy lợi nội đồng 27m2/khẩu với diện tích 170.100m2, hoàn thành kênh mương cấp I là 8 km, đạt 100%. Xây dựng giao thông trục chính nội đồng đạt 100% với tổng chiều dài 8,4km; xây dựng 129 cống nội đồng; xây cầu máng trạm bơm Láng… Toàn xã hiện có 5 máy gặt đập liên hiệp, 14 máy làm đất cỡ lớn, giải phóng được sức lao động, góp phần đảm bảo thời vụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là xã với lợi thế đặc thù riêng, có nghề truyền thống dệt tơ đũi lâu đời (từ năm 1930), đến nay nghề này tiếp tục duy trì, không ngừng phát triển mạnh cả về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, giữ vị trí quan trọng làm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế địa phương. Ngoài ra, một số công ty như: KOSAHAN, May Thanh Anh, cơ sở may Truyện Chanh, cơ sở may Trường Huế thu hút hàng nghìn lao động tại địa phương, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống, nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97,6%. Thu nhập của người dân đã có nhiều chuyển biến và được cải thiện, năm 2015 đạt 29,14 triệu đồng/người.
Kinh tế - xã hội phát triển, tạo điều kiện để địa phương triển khai Chương trình XDNTM. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, trước khi thực hiện bất kỳ chủ trương, dự án nào, lãnh đạo xã đều đưa ra trước dân để bàn bạc, lấy ý kiến rồi mới quyết định. Xã đã đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu và nhận thức rõ về lợi ích của việc XDNTM, đồng thời tiến hành tổ chức nhiều cuộc họp để nhân dân tham gia lựa chọn những phần việc, những công trình xây dựng cần triển khai trước nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ.
Trong 5 năm qua, Nam Cao đã huy động nguồn lực thực hiện Chương trình XDNTM là 72,212 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp trên 34,648 tỷ đồng; ngân sách xã 10,651 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 27,911 tỷ đồng (trong đó 2/3 kinh phí thuộc về ngày công lao động của người lao động địa phương).
Nam Cao là xã đi lên từ xuất phát điểm thấp và điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Đến nay, Nam Cao trở thành xã NTM. Đây chính là nhân tố quan trọng, là động lực để Nam Cao tiếp tục giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí NTM, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
5 năm qua, Nam Cao đã huy được 72,212 tỷ đồng thực hiện Chương trình XDNTM, trong đó ngân sách cấp trên 34,648 tỷ đồng; ngân sách xã 10,651 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 27,911 tỷ đồng. |