Kinh tế còn ì ạch, lạm phát tháng 4 còn thấp
- Thứ ba - 03/04/2012 21:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sức ép lên CPI vẫn còn lớn
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ Công thương tổ chức chiều nay (3/4), ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang bị nhiều sức ép tăng.
Theo đó, dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho thấy, chỉ số giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tháng 1 và tháng 2 đang tăng cao. Cụ thể, tháng 1 trên 2% và tháng 2 trên 3%. Do đó, xu hướng này sẽ tác động trực tiếp đến giá nhập khẩu các nguyên vật liệu đầu vào, và chi phí giá hàng hóa trong nước thời gian tới có nguy cơ tăng.
Ông Quyền cũng lưu ý rằng, với kỳ tính giá CPI của tháng 3 là trước ngày 29, thì việc tăng giá xăng dầu hôm 7/3 cũng là một sức ép đáng kể. Trong kỳ tính của tháng 3 thì tác động của yếu tố này có chậm hơn so với những lần điều chỉnh trước
Dẫn ý kiến của các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết, giá xăng dầu tăng sẽ tác động hai vòng, trước hết là trực tiếp lên rổ hàng hóa và gián tiếp qua giá các hàng hóadịch vụ khác. Trong đó, tác động qua các dịch vụ hàng hóa khác cũng có hai “đường”, một là thể hiện ở giá bán và hai là tăng “ngầm” ở tâm lý hay còn gọi là lạm phát kỳ vọng.
Tuy nhiên, yếu tố kỳ vọng trong trường hợp tháng này có giảm do việc truyền thông công khai cũng như thực tế nền kinh tế đang trong thời kỳ bị “ì”, cầu yếu nên tình trạng “tăng giá tát nước theo mưa” theo ông Quyền là không có. Do vậy, CPI thời gian tới sẽ phản ánh mức tăng giá thực của thị trường.
Một yếu tố khác tác động tiêu cực đến CPI tháng tư, theo nhìn nhận của ông Quyền là giá lương thực sẽ phục hồi, mà biểu hiện trước hết là giá lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long đã phục hồi khoảng 100-200 đồng/kg.
Ngoài ra, tỉ giá thời gian qua ổn định, nhưng nếu tăng thì sẽ đóng góp một phần ảnh hưởng đến giá hàng nhập khẩu trong nước. Để bù chi phí về tỉ giá, thì phần này sẽ được “đắp” vào giá bán.
Nhiều cơ sở để lạc quan về lạm phát
Phân tích về chiều hướng giảm, Vụ trưởng Quyền cho rằng, giá gas vừa rồi giảm mạnh, từ 50-70 nghìn đồng/bình 12kg là một tín hiệu tốt với CPI. Và thời gian tới, áp lực của yếu tố này sẽ còn giảm nhẹ hơn khi giá mặt hàng khí hóa lỏng trên thị trường thế giới dự báo giảm sâu do mùa lạnh ở châu Âu đã kết thúc.
Riêng mặt hàng thực phẩm, trước mắt vẫn có thể sụt giá do một nguyên nhân không mong muốn là những lo ngại quanh loạt thông tin về chất tạo nạc và chất kích thích trong thức ăn chăn nuôi đối với mặt hàng thịt lớn – vốn đóng tỉ trọng lớn trong cơ cấu bữa ăn người Việt Nam.
Yếu tố tiếp theo góp vào chiều hướng giảm của lạm phát theo đánh giá của ông Quyền là thực trạng cầu thị trường đang rất yếu cộng với những khó khăn về tiêu thụ của các nhà sản xuất.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến hết tháng 2, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5% so với cùng kỳ.. Nhiều nhóm hàng có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh, đến 15% so với cùng kỳ như sắt thép, xi măng.
Do tiêu thụ giảm nên lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm 1/3, lượng tồn kho của phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,7%; sắt, thép tăng 59,1%; bia và mạch nha tăng 48%; sợi và dệt vải tăng 6,6%...
Dù vậy, tóm gọn lại nhận định CPI trong tháng 4, ông Quyền vẫn đưa ra khẳng định, “lạm phát tháng 4 sẽ không tăng đột biến”. Đồng thời, ông cũng cho rằng, với sự vào cuộc của các bộ ngành và doanh nghiệp thì sẽ không có yếu tố bất ổn trong cung cầu giá cả trên thị trường.
Nhìn chung tình hình cung cầu trên thị trường không có biến động lớn trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm. Đà lạm phát vẫn đang trong chiều hướng giảm. CPI tháng 3 đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp tính từ tháng 8/2011 làm cho CPI bình quân quý I cũng ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại nay (bình quân các năm là 4,4%). Vì vậy, nếu không có các tác động như tăng giá điện và các cú sốc giá, thì cái nhìn lạm phát tháng 4 vẫn còn có cơ sở để lạc quan.
Theo Dantri