Kinh tế tập thể: Mô hình đặc thù cần chính sách đặc thù
- Thứ tư - 24/06/2015 23:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tổng nguồn vốn của HTX đã đạt trên 30 tỷ đồng với khoảng 80 lao động trực tiếp và 2.054 xã viên; lãi ròng năm 2013 là 6,6 tỷ đồng; lãi ròng cuối năm 2014 đạt 12 tỷ đồng. Những thành công của HTX nông nghiệp Evergrowth là nền tảng để tỉnh Sóc Trăng đang mở rộng vùng nuôi bò sữa tập trung cho các vùng lân cận trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo xu hướng phát triển chung của địa phương, ngành chăn nuôi bò sữa vẫn phát triển và phù hợp với hộ nghèo vùng nông thôn nếu như họ biết liên kết thông qua việc tham gia HTX, được cung cấp các dịch vụ của HTX để phát triển bền vững.
Mô hình hợp tác xã kiểu mới cần được nhân rộng |
Nhận định rằng đây không chỉ là một thành công đơn lẻ, TS. Kim Quốc Chính Phó trưởng Ban Phát triển các ngành sản xuất, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn chỉ ra lợi thế của mô hình HTX trong việc phân chia lại chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp với giá trị gia tăng cao hơn.
Ví như trường hợp chuỗi sản xuất- tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Hồng, khi có HTX làm dịch vụ ở việc sản xuất và tiêu thụ lúa, tỷ trọng khâu sản xuất lúa của nông dân xã viên tăng lên rõ rệt trong chuỗi giá trị, có thể lên đến 60- 62%, tỷ trọng khâu thu gom lúa giảm xuống còn khoảng 7- 9%, thu nhập của nông dân được tăng lên từ 1,1- 1,3 lần.
Điển hình là những mô hình HTX, tổ hợp tác ở một số tỉnh (Thái Bình, Nam Định, An Giang, Kiên Giang...) đã tổ chức liên kết sản xuất- tiêu thụ lúa gạo xuất khẩu với doanh nghiệp. Qua đó giúp các hộ nông dân phát triển được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, giảm được chi phí sản xuất và tiêu thụ lúa, lợi nhuận thu được cao hơn 20- 25% so với khi chưa tham gia HTX.
Những lợi thế của mô hình kinh tế tập thể kiểu mới là không thể phủ nhận, thế nhưng đến nay nó vẫn chưa được thừa nhận rộng rãi. Chủ tịch HTX Rạch Gầm, Tiền Giang Trần Đỗ Liêm không khỏi bùi ngùi khi được rất nhiều nhà báo hỏi: “HTX to thế sao không lên công ty?”.
“Những ưu việt của kinh tế hợp tác, HTX kiểu mới chưa ăn sâu trong tư tưởng cán bộ Đảng viên và nhân dân… nên họ phó mặc việc hình thành, phát triển HTX cho cơ chế thị trường điều tiết. Một ông chủ nhiệm, hay lãnh đạo HTX có thâm niên, kinh nghiệm, tài giỏi cấp quốc gia thậm chí khu vực hay quốc tế, nhưng không được đánh giá cao bằng một chủ doanh nghiệp mới thành công chút ít (dù chưa bền vững) trong thời gian ngắn, hay người mẫu, ca sĩ hạng trung!” ông Liêm bùi ngùi.
Vấn đề vị thế của HTX chưa được nhìn nhận đúng đắn còn thể hiện trong việc nhiều chính sách ưu đãi đã "quên mất" đối tượng là HTX. Mặc dù Luật Hợp tác xã 2012 cũng như Nghị định số 193/2013/NĐ-CP có quy định chung về hỗ trợ vốn, tín dụng thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và các TCTD theo quy định, nhưng chưa có các chính sách hỗ trợ cụ thể hơn trong việc ưu đãi tín dụng đối với HTX ở các TCTD.
Ví dụ, Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV không quy định đối tượng được áp dụng là HTX, trong khi đây cũng là một kênh hỗ trợ HTX trong việc vay vốn đầu tư hoạt động tại các TCTD.
Hay như kinh phí và định mức hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với các thành viên của HTX, mặc dù đã được sửa đổi về các mức chi hỗ trợ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Quy định về định mức hỗ trợ mới chỉ áp dụng cho việc đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong thời gian ngắn, mà chưa có quy định về định mức hỗ trợ trong trường hợp được cử đi đào tạo chính quy. Mức hỗ trợ đối với các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ không được áp dụng cho việc đào tạo nguồn nhân lực của HTX trong cùng lĩnh vực.
Đây là lý do, các đại diện HTX, lãnh đạo địa phương cho rằng, để thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư phát triển, cần xây dựng hệ thống liên kết giữa Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và các Quỹ địa phương, theo hướng Quỹ Trung ương là đầu mối hướng dẫn, tư vấn và phối hợp cùng Quỹ địa phương triển khai hỗ trợ vốn cho các HTX theo các hình thức khác nhau như hợp vốn đồng tài trợ, uỷ thác..
Đối với chính sách tín dụng, cũng cần mở rộng hình thức bảo lãnh đối với đối tượng là HTX. Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ, cần bổ sung thêm đối tượng là HTX được hưởng ưu đãi, hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cần rà soát lại công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp, trong đó có tính đến chỉ tiêu sử dụng đất để bố trí quỹ đất cụ thể đáp ứng cho việc giao đất, cho thuê đất đối với HTX. Về việc các hộ gia đình, xã viên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vào các HTX, nên có cơ chế chính sách cho phép các HTX nông nghiệp được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất (cả đất nông nghiệp và phi nông nghiệp) đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, để tạo nguồn vốn phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhất Thanh
theo thoibaonganhang