Kinh tế tập thể TP Hà Nội: Bức tranh nhiều gam màu sáng

Kinh tế tập thể TP Hà Nội: Bức tranh nhiều gam màu sáng
Thành phố Hà Nội hiện có trên 400 tổ hợp tác, 6 liên hiệp hợp tác xã (HTX), 977 HTX nông nghiệp, 227 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), 222 HTX thương mại - dịch vụ, 74 HTX vận tải, 16 HTX xây dựng, 55 HTX loại hình khác và 98 quỹ TDND.



Số lượng HTX theo thống kê trên, được coi là nặng về định lượng và như đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chưa phản ánh đúng tiềm năng phát triển của kinh tế tập thể Thủ đô, chưa kể quy mô nhiều HTX còn nhỏ bé, năng lực phát triển hạn chế. Phần lớn các HTX chưa "thoát" khỏi mô hình kiểu cũ, chưa thể hiện rõ vai trò chủ thể của người lao động và khả năng thu hút xã viên. Sự hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác chưa được coi trọng. Ngoài ra, trình độ, năng lực của cán bộ quản lý cũng hạn chế, cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ của nhiều HTX còn cũ kỹ, lạc hậu. Hoạt động của HTX, nhất là HTX phi nông nghiệp, chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp (DN) nhà nước, tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn nhiều bất cập, chậm triển khai thực hiện và chưa phát huy tác dụng. Các cấp, ngành chức năng quan tâm đến khu vực HTX chưa nhiều...
 

Trồng thanh long ruột đỏ tại HTX Phú Thái huyện Phú Xuyên). Ảnh: Sơn Tùng
Trồng thanh long ruột đỏ tại HTX Phú Thái huyện Phú Xuyên). Ảnh: Sơn Tùng


Nói vậy cũng không quá khắt khe, bởi đây là thực trạng chung của kinh tế tập thể nước ta, không chỉ riêng ở Hà Nội. Đây là những khó khăn cố hữu, diễn ra trong một thời gian dài nên không thể khắc phục trong một sớm một chiều, lại càng không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính hay ý chí lãnh đạo. Tuy nhiên, phải ghi nhận là trong thời gian qua, với vai trò Thường trực Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể thành phố Hà Nội, Liên minh HTX Hà Nội đã tham mưu tích cực cho lãnh đạo thành phố về công tác lãnh đạo, chỉ đạo kinh tế tập thể, quản lý và quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của phong trào HTX. Liên minh HTX thành phố đang dần lấy lại được vị thế về quản lý nhà nước ngành, thể hiện uy tín với cơ sở thông qua vai trò vừa là lãnh đạo, vừa là bạn đồng hành, là chỗ dựa của kinh tế tập thể trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hoạt động của kinh tế tập thể thành phố, như báo cáo của Thành ủy Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể khẳng định, đã có bước phát triển mới. Các HTX đã chủ động, phát huy nội lực, đổi mới phương thức hoạt động, mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm nhiều ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút lao động, giải quyết việc làm, tăng thêm sản phẩm tiêu dùng, xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định trật tự xã hội và an sinh xã hội. Theo báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã, năm 2011, các HTX có tổng giá trị tài sản gần 4,4 nghìn tỷ đồng; tổng doanh thu đạt gần 2,6 nghìn tỷ đồng, nộp thuế hơn 48 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 31,1 tỷ đồng (các kết quả này đều tăng khoảng 90% so với năm 2001)... 

Có thể thấy, hiệu quả hoạt động của HTX được cải thiện rõ rệt, ngành nghề kinh doanh đa dạng hơn, tổ chức bộ máy từng bước được hoàn thiện, nội dung hoạt động được mở rộng, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ xã viên phát triển. Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã nắm được những dịch vụ đầu vào cơ bản của sản xuất như: cung ứng giống, vật tư, khuyến nông, thủy lợi, làm đất… và mở rộng thêm các dịch vụ dân sinh hoặc các ngành nghề phi nông nghiệp khác. Các HTX CN-TTCN tuy phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các quận, song đều duy trì được nhịp độ tăng trưởng. 5 HTX đã được cấp chứng chỉ quản lý chất lượng theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO và TQM. Các HTX thương mại - dịch vụ chủ yếu tổ chức kinh doanh tổng hợp, ngày càng tỏ ra thích ứng với cơ chế thị trường, hoạt động có hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu đời sống hằng ngày của người dân trong khu vực. Hệ thống quỹ TDND hoạt động ngày một tốt hơn, các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng hằng năm, trong đó cho người nghèo vay xóa đói giảm nghèo được hơn 600 hộ, tổng số tiền 7,8 tỷ đồng. 

Năm 2013, thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hướng trọng tâm hoạt động của khu vực kinh tế này vào phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội của thành viên, tập thể và cộng đồng; thu hút ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình, tổ chức tham gia kinh tế hợp tác, HTX; góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống nhân dân và đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng GDP của thành phố. Thực hiện định hướng này, Đại hội đại biểu Liên minh HTX thành phố Hà Nội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2013-2017), với chủ đề "Đoàn kết, phát huy nội lực, hợp tác và phát triển" sẽ đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX thành phố trong tình hình mới, phấn đấu đưa kinh tế hợp tác, HTX của thành phố thoát khỏi tình trạng yếu kém, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng và thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội; phấn đấu đến năm 2017 có từ 60% đến 70% HTX hoạt động bảo đảm các tiêu chí tốt, khá, không còn các HTX tồn tại hình thức, không hoạt động; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của khu vực HTX đạt từ 6,5 đến 7%/năm.

Bức tranh kinh tế tập thể của thành phố Hà Nội đã thấy nhiều gam màu sáng!

Đỗ Tâm 
Theo hanoimoi.com.vn