Kinh tế tập thể – đòn bẩy xây dựng nông thôn mới
- Chủ nhật - 23/09/2012 02:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tiêu chí thứ 13 của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) có nội dung về hình thức tổ chức sản xuất. Điều này cho thấy, phát huy vai trò của kinh tế tập thể gắn với XDNTM là thực sự cần thiết và cấp bách.
Mô hình HTX – hiệu quả đã được khẳng định
Tỉnh ta hiện có trên 900 HTX, trong đó có gần 500 HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN); khoảng 120 HTX công nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp... Thực tế cho thấy, mô hình này đã và đang thúc đẩy kinh tế hộ phát triển thông qua các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Ngoài các hoạt động chủ yếu như: phục vụ nhu cầu kinh tế, đời sống của xã viên, hộ xã viên; tạo ra lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không nhỏ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu, HTX còn là kênh huy động nguồn lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Theo Liên minh HTX tỉnh, mô hình HTX sau khi ra đời đã và đang khắc phục được những tồn tại, hạn chế về vấn đề cung ứng và tiêu thụ sản phẩm; quy chế dân chủ được nâng cao; góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng; tạo mối liên kết giữa các “nhà” trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Đầu tư phát triển mô hình HTX gắn với XDNTM đã và đang góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn. Và khi các thành phần kinh tế tập thể phát triển đúng hướng cũng sẽ là động lực đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện.
Về thăm mô hình hoạt động của HTX DVNN Định Tường (Yên Định), chúng tôi được biết, ngoài các hoạt động nhằm nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhằm thích ứng với cơ chế mới, HTX đã tăng cường các hoạt động tìm kiếm đối tác để xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa giống, các loại cây màu hàng hóa như: ngô bao tử, ớt lai... Bình quân doanh thu của HTX đã đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định khoảng 2 triệu đồng/người/tháng.
Nhằm tiếp tục đổi mới mô hình HTX hoạt động kém hiệu quả, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với UBND các địa phương (trong đó có xã Trường Sơn, huyện Nông Cống) tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng lãnh đạo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quản lý cho chủ nhiệm HTX, các lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc. Sau khi chuyển đổi sang mô hình HTX DVNN kiểu mới với phương thức hoạt động đa dạng, nhờ chính sách tạo vốn của huyện, HTX DVNN xã Trường Sơn đã mạnh dạn đầu tư, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, giúp nhiều hộ nông áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Anh Lê Thế Tạo, làng Yên Minh, xã Trường Sơn là hộ xã viên tham gia chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng ớt xuất khẩu, cho biết: “Sau khi được HTX vận động chuyển đổi sang trồng ớt, giá trị kinh tế từ trồng ớt của gia đình tôi cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Vừa qua HTX DVNN xã Trường Sơn tiếp tục đầu tư mua máy cấy, mạ khay... giúp người nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế và làm giàu trên đồng ruộng.
Liên kết tạo đột phá
Liên kết tạo đột phá
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tăng cường phối hợp với hội hông dân, trung tâm khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức hội thảo cung cấp kiến thức cần thiết cho nông dân; hướng nông dân sản xuất quy mô lớn, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu bảo đảm sức cạnh tranh trên thị trường; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật... và là cầu nối để các doanh nghiệp hợp tác cùng có lợi với nông dân. Nhiều mô hình HTX DVNN đạt hiệu quả qua việc tham gia liên kết “4 nhà” như: Định Tường (Yên Định); Thiệu Hợp (Thiệu Hóa); Tân Thành (Nga Sơn); Quỳ Chữ (Hoằng Hóa)...
Nhận thấy phát triển HTX DVNN là lợi thế và chỗ dựa để nông dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy tiến trình XDNTM và là trung gian để “4 nhà” liên kết đầu tư sản xuất nông nghiệp, ngoài các hoạt động ở các khâu như: làm đất, dịch vụ, cung ứng giống, vật nuôi, thủy lợi nội đồng, bao tiêu sản phẩm, khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật..., một số HTX DVNN đã năng động, thích ứng với cơ chế mới, đa dạng các hình thức hoạt động, tăng nguồn thu từ dịch vụ, trở thành những HTX DVNN “điểm sáng” của tỉnh. Đơn cử như HTX DVNN Phú Lộc (Hậu Lộc) từ một HTX nhỏ thành lập năm 1974, đến nay sau khi chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới đã dần khẳng định được vai trò và lợi thế của mình thông qua các hoạt động như: Không ngừng tăng cường các hoạt động tìm kiếm thị trường, đối tác để ký kết làm ăn, du nhập các loại cây con, giống mới có năng suất, giá trị kinh tế cao; tổ chức cho cán bộ, xã viên đi tham quan, học hỏi, tham gia trình diễn các mô hình, điển hình sản xuất tiên tiến, đã khai thác lợi thế đất đai và đã sản xuất được 4 vụ/năm, tổng doanh thu năm 2011 đạt khoảng 25 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ với chúng tôi, hộ xã viên Lường Văn Hải, thôn Phú Đa, cho biết: “Tham gia HTX, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư, gắn phát triển kinh tế hộ gia đình kết hợp với làm dịch vụ cày đất, gặt lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mỗi năm gia đình thu nhập ổn định ở mức khoảng 140 triệu đồng. Chúng tôi cũng không phải lo về vấn đề đầu ra của sản phẩm bởi đã yên tâm khi có HTX làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con”. Ông Nguyễn Trọng Thành, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Trường Sơn (Nông Cống) khẳng định thêm: Mô hình liên kết này cũng đã và đang cho thấy bản thân các doanh nghiệp sẽ có lợi thế về thị trường tiêu thụ, vốn, cơ sở vật chất, trong khi đó, các HTX sẽ nhận được những hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp về cung ứng vật tư, đầu vào, giải quyết đầu ra, hỗ trợ các dịch vụ kỹ thuật...
Để tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò và lợi thế của kinh tế tập thể nhằm củng cố và hoàn thiện tiêu chí tổ chức sản suất góp phần đẩy nhanh tiến trình XDNTM tại các địa phương, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhấn mạnh những việc cấp thiết cần làm là: HTX cần tiếp tục củng cố hoạt động về mặt tổ chức, triển khai các chương trình bồi dưỡng cán bộ, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX đổi mới nội dung hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với lợi ích của xã viên; hỗ trợ các HTX tiếp cận và triển khai các nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, xây dựng các dự án vay vốn; tăng cường vận động các HTX thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “HTX tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo và XDNTM”...
.Bài và ảnh: Lê Phượng
Theo baothanhhoa.vn