Krông Ana đổi thay nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", những năm qua phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Krông Ana đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động sự vào cuộc của mọi tầng lớp nhân dân và của cả hệ thống chính trị, nhờ vậy, diện mạo địa phương đã đổi thay.

Ông Võ Văn Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện cho biết: Ngay khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện đã xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cần thiết. Do đó, ngay sau khi thành lập Ban chỉ đạo điều hành Chương trình, Huyện ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai giao nhiệm vụ đến tất cả các ban, ngành đoàn thể, đồng thời, thường xuyên quan tâm, theo dõi, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo tháng, quý tới từng đảng bộ, chi bộ đảng. Theo đó, các cấp ủy Đảng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ đảng viên, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu đi đầu và là một tuyên truyền viên thực sự tích cực trong công tác xây dựng NTM ở địa phương. Nhờ vậy, phong trào xây dựng NTM ở Krông Ana đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân toàn huyện.

Đến thăm cánh đồng lúa mới ở xã Dray Sáp, chúng tôi bắt gặp niềm vui trong ánh mắt của những người nông dân nơi đây khi nói về hệ thống thủy lợi vừa mới được đầu tư, sửa chữa. Ông Nguyễn Văn Hải ở thôn Dray Sáp chia sẻ: “Trước đây do chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi nên cánh đồng này thường xảy ra tình trạng hạn hán gây chết lúa trên diện rộng. Mới đây, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cùng sự đóng góp công sức của người dân, gần 2,9 km kênh mương nội đồng của xã đã được tu sửa, xây mới với kinh phí 7 tỷ đồng. Có hệ thống kênh mương mới, chúng tôi đã yên tâm sản xuất, không còn lo hạn hán mất mùa như trước nữa”. Không chỉ riêng Dray Sáp, những năm trước, do hệ thống đê bao không bảo đảm nên mỗi khi mưa to, một số xã như Quảng Điền, Bình Hòa, Dur Kmăl nằm gần bờ sông Krông Ana thường xuyên xảy ra ngập lụt khiến hàng trăm héc-ta lúa và hoa màu bị ngập úng, mất trắng. Cũng nhờ chương trình NTM mà đến nay hệ thống tưới tiêu tại các xã thường xuyên xảy ra ngập úng cơ bản đã được khắc phục.

Người dân xã Bình Hòa, huyện Krông Ana thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn.

 Người dân xã Bình Hòa, huyện Krông Ana thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn.


Xác định công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình xây dựng NTM, nên việc xây dựng kế hoạch, tìm ra các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân cũng được Ban chỉ đạo nhanh chóng triển khai. Ngoài việc thường xuyên thực hiện công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, trong năm 2014, Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức sản xuất 10 ha lúa giống, thu được 75 tấn lúa chất lượng tốt phục vụ sản xuất; triển khai xây dựng 60 công trình khí biogas và 7 mô hình trình diễn về giống lúa mới,… nhân rộng cho người dân học tập. Trong năm 2014, huyện cũng vận động người dân các xã Dray Sáp, Bình Hòa chuyển đổi từ ngô, sắn sang trồng khoai lang cho thu nhập cao hơn. Đến nay đã phát triển được 200 ha khoai lang cho thu nhập 100 đồng/ha, giá cuối vụ có khi lên đến 200 triệu đồng/ha. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nhiều hộ dân của xã Bình Hòa và Dur Kmăl đã vươn lên thoát nghèo và trở thành những nông dân làm ăn giỏi điển hình của xã. Từ những hiệu quả bước đầu đó, huyện đã tổ chức quy hoạch phát triển giống khoai lang bền vững và liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Đà Lạt – Nhật Bản tạo đầu mối tiêu thụ, giúp bà con yên tâm, ổn định sản xuất.

Với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế xã hội, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân, những năm qua, cơ sở hạ tầng nông thôn tại các xã, thôn, buôn trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực. Đến nay toàn huyện đã bê tông hóa được 16,9 km đường giao thông nông thôn với tổng trị giá đầu tư khoảng hơn 20 tỷ đồng; tu bổ sửa chữa được 82 km đường đất bị hư hỏng với tổng trị giá hơn 2,5 tỷ; bê tông hóa 1,3 km đường giao thông nội đồng ở 2 xã Ea Bông và Quảng Điền với kinh phí khoảng trên 1,9 tỷ đồng... Ngoài ra người dân các xã cũng đóng góp xây dựng các công trình công cộng với tổng giá trị khoảng 48,6 tỷ đồng, tham gia 8.500 ngày công lao động làm đường, hiến 17. 700 m2 đất để xây dựng các công trình,...

Ông Võ Văn Nam cho hay, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của chính quyền cùng sự đồng lòng chung sức của nhân dân, tới nay, huyện Krông Ana đã có 2 xã điểm đạt từ 13 đến 16 tiêu chí NTM; 2 xã đạt 10 tiêu chí; 3 xã đạt từ 8 đến 9 tiêu chí xây dựng NTM. Thời gian tới huyện sẽ tập trung hoàn thành các tiêu chí chưa đạt như: giao thông, môi trường, thủy lợi, cơ sở văn hóa,... Đồng thời tập trung rà soát và nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí NTM của 2 xã điểm là Bình Hòa và Quảng Điền để về đích đúng hẹn. “Dẫu vẫn biết quá trình thực hiện sẽ có nhiều khó khăn, nhưng khi cấp ủy, chính quyền địa phương quyết tâm, người dân đồng lòng, chắc chắn huyện Krông Ana sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra”- ông Nam tự tin khẳng định.

Theo: daklak24h.com.vn