Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV: Luật Quy hoạch là “khung” để xây dựng các luật chuyên ngành

Việc ban hành Luật Quy hoạch được kỳ vọng sẽ là bước cải cách về thể chế tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch theo đúng quy định.
Những quy định mới trong luật sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ. Bởi vậy, Dự thảo Luật Quy hoạch được Chính phủ trình tại Kỳ họp Thứ 2, Quốc hội Khóa XIV đã thu hút sự tham gia của các đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường sáng ngày 21/11. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu xung quanh nội dung này.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Dương Minh Ánh phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn): Công cụ quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực

Dự thảo Luật Quy hoạch cần nêu rõ hơn các tác động của luật đối với sự phát triển chung, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc phòng; đồng thời phải nghiên cứu đưa ra hệ thống các tiêu chí quy hoạch, khung chung cho quy hoạch các cấp. Điều này liên quan đến các khái niệm giải thích từ ngữ về quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và cần phải xây dựng lại cho phù hợp.

Ngoài ra, dự thảo luật cần làm rõ hơn sự tác động cũng như giải quyết mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch với Luật Đô thị, Luật Xây dựng… và các luật khác có liên quan. Về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, luật vẫn còn chung chung, đề nghị cần làm rõ và bổ sung. Hoạt động quy hoạch bao gồm: Nghiên cứu, chuẩn bị, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát, xử lý vi phạm quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Quy hoạch là công cụ quản lý của nhà nước nên nguyên tắc số 1 cần phải được ghi là đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước và các tổ chức liên quan. Luật Quy hoạch mang tính kỹ thuật cho nên cần bổ sung nguyên tắc đảm bảo đúng yêu cầu về nguyên tắc quy hoạch, trình tự thủ tục trong hoạt động quy hoạch.

Sự phối hợp liên kết trong hoạt động quy hoạch là một vấn đề quan trọng được đưa vào trong mục tiêu nhưng chưa được thể hiện trong nguyên tắc này. Bởi vậy, tôi đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo đảm sự phối hợp đồng bộ trong hoạt động quy hoạch giữa các ngành trung ương và địa phương.

Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch là 3 công cụ quản lý nhà nước. Như vậy, nôi dung nào sẽ chi phối nội dung nào thì dự thảo luật vẫn chưa làm rõ. Trong khi chiến lược là định hướng trung và dài hạn thì quy hoạch phải cụ thể hóa chiến lược dài hạn từ 10-20 năm như dự thảo. Theo tôi, quy hoạch chỉ bị chi phối bởi chiến lược phát triển mang tính dài hạn. Cho nên cần đảm bảo tính thống nhát giữa chiến lược và quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội. Còn những điều nhỏ thì chịu sự điều chỉnh quy hoạch của cấp trên.

Các hành vi bị cấm với 8 khoản thì mới chỉ quy định tới các hành vi liên quan đến hoạt động quy hoạch; còn những hành vi liên quan đến chất lượng quy hoạch thì chưa quy định. Do đó, cần bổ sung các điều khoản cấm liên quan đến vấn đề cần phải xử lý nghiêm minh như quy hoạch sai, kém chất lượng, quy hoạch treo,… Trên thực tế, trục lợi trong hoạt động quy hoạch diễn ra suốt thời gian vừa qua, gây nhiều tác động đến đời sống xã hội.

 Đại biểu Nguyễn Chiến (Đoàn Hà Nội): Xem xét đến đặc thù riêng của địa phương

Cần phải nhìn vào thực tế rằng, quy hoạch của chúng ta tồn tại bao năm qua mà vẫn chưa có được các trật tự nhằm đảm bảo tính khoa học và khả thi đồng bộ trong thực tiễn. Tôi cho rằng, đối với quy hoạch tổng thể của Quốc gia thì cần có một cơ quan cao nhất xem xét phê chuẩn. Điều này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình.

Với thành phố lớn như Hà Nội đã có Luật Thủ đô thì vấn đề đặt ra là Luật Quy hoạch này cũng phải xem xét đến quy định đặc thù của địa phương để có sự sửa đổi điều chỉnh các dự thảo nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật Thủ đô đối với Luật Quy hoạch.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa): Bộ khung để xây dựng các luật chuyên ngành

Luật Quy hoạch lẽ ra phải được ban hành trước như là bộ khung để làm cơ sở ban hành các luật chuyên ngành. Hiện chúng ta đã có các luật chuyên ngành quy định công tác quy hoạch chi tiết của từng lĩnh vực nhưng theo giải trình thì dự thảo Luật Quy hoạch vẫn vừa là một nội dung vừa là luật khung. Do đó, cần phải rà soát để đảm bảo đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cần bổ sung nội dung quản lý nhà nước về quy hoạch, bởi vì trong nội dung của dự thảo luật đã quy định quản lý nhà nước; quy hoạch là công cụ để các cấp chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị; cụ thể hóa mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch định hướng phát triển ngành… Theo đó, cần cụ thể các ngành quốc gia cần quy hoạch để có căn cứ quy định. Hiện chúng ta quy định ngược, quy định phụ lục dẫn chiếu các lĩnh vực quy hoạch.

Ví dụ như quy hoạch quốc gia bao gồm quy hoạch không gian biển, quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch sử dụng tài nguyên môi trường và quy hoạch khác… Như vậy trong phụ lục mới có cơ sở để chúng ta quy định chi tiết các quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn cần phải làm rõ quy hoạch khác là gì.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc): Linh hoạt thời gian cho từng loại quy hoạch

Nên thiết kế một chương riêng quản lý nhà nước về quy hoạch vì đây là những nội dung liên quan đến thẩm quyền, xác định trách nhiệm quản lý phân cấp, phân quyền và ủy quyền của các cơ quan nhà nước.

Nội dung của dự thảo luật chỉ đề cập tới quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh còn quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng không được đề cập nên cần điều chỉnh cho phù hợp với nội dung.

Dự thảo luật xác định 7 nguyên tắc cơ bản tuy nhiên cần bổ sung thêm 2 nguyên tắc. Đó là quy hoạch cấp dưới và quy hoạch cấp trên, quy hoạch cấp trên kế thừa quy hoạch cấp dưới đã được thực hiện nhưng không làm ảnh hưởng đến quy hoạch cấp trên. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm kỷ luật và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quy hoạch đối với tập thể cá nhân.

Về thời kỳ quy hoạch, Điều 6 dự thảo quy định thời kỳ quy hoạch tầm 10 năm tầm nhìn 20 năm, quy hoạch kết cấu hạ tầng tầm nhìn 30 năm là chưa hợp lý. Đối với quy hoạch cấp quốc gia và thời kỳ quy hoạch là 10 năm thì quá trình này quá ngắn. Theo tôi, thời kỳ quy hoạch cần thống nhất trong cấp quy hoạch và các cấp quy hoạch có thời kỳ quy hoạch khác nhau. Có thể các cấp quy hoạch liền kề hơn kém nhau 5 năm là hợp lý.

Về hệ thống quy hoạch, cần chỉ rõ ngay trong luật những vùng cần quy hoạch nhằm hạn chế việc giao cho chính phủ quy định chi tiết. Cấp tỉnh có quy hoạch nhưng cấp tỉnh gồm có tỉnh và các thành phố trực thuộc trung ương. Trong khi đó, quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương đang được thực hiện, đang được điều chỉnh bởi Luật Quy hoạch đô thị. Như vậy, thành phố trực thuộc trung ương có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này không hay phải điều chỉnh cả hai luật. Việc này cần tiếp tục nghiên cứu.

Điều chỉnh quy hoạch cũng cần quy định cụ thể thời gian điều chỉnh kể từ khi phê duyệt quy hoạch hoặc xong mỗi lần điều chỉnh liền kề cho điều chỉnh chung quy hoạch và cho điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhằm tránh sự tùy tiện trong việc điều chỉnh quy hoạch.
 
Thu Hằng – Thành Trung (TTXVN)