Kỳ vọng đột phá xây dựng nông thôn mới

Trong năm nay, chúng ta kỳ vọng gì vào chương trình đột phá xây dựng NTM? NTNN ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý, địa phương và người dân về những kỳ vọng trong năm 2013.

 

2 năm đầu triển khai xây dựng NTM tập trung vào khâu chuẩn bị văn bản, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nên nhiều địa phương xác định năm 2013 này mới là năm đột phá vào xây dựng NTM. Vậy trong năm nay, chúng ta kỳ vọng gì vào chương trình này? NTNN ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý, địa phương và người dân về những kỳ vọng trong năm 2013.

Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Phải lồng ghép các nguồn vốn vào nông thôn

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết:"Trong năm 2012, mặc dù các địa phương rất cố gắng, nhưng chỉ có 68% số xã hoàn thành công tác quy hoạch. Thực tế, có nhiều địa phương triển khai chậm, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc. Nguyên nhân chậm thì do cả khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là việc chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt, còn khách quan là do năng lực đội ngũ làm công tác tư vấn, quy hoạch còn yếu. Nhưng đúng là, cả nước có hơn 9.000 xã, mà ngay trong một năm làm hết quy hoạch thì lực lượng tư vấn không thể đáp ứng được. Chúng tôi đã chỉ đạo làm quy hoạch phải có chất lượng, chứ không chỉ làm mang tính hình thức.

Người dân làng Mén, xã Minh Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa cùng nhau vệ sinh, làm sạch đường làng.

Về thực hiện, nhiều địa phương cứ kêu thiếu vốn nên không đủ làm cái này, cái kia. Song tôi xin khẳng định, Chương trình xây dựng NTM không chỉ có các nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong 19 tiêu chí, chúng ta lại chia ra làm 39 chỉ tiêu, trong đó có 3 chỉ tiêu quy hoạch; 18 chỉ tiêu về xây dựng cơ sở hạ tầng và 18 chỉ tiêu về sản xuất, đời sống văn hóa, môi trường, xây dựng hệ thống chính trị… Những việc làm này, không nhất thiết cần phải có nhiều tiền hoặc nếu cần, thì cần tín dụng chứ không phải là vốn đầu tư.

Chúng ta có rất nhiều chương trình khác cũng rót tiền vào nông thôn như nước sạch, đào tạo nghề, văn hóa, giáo dục… Tính tổng cộng, 48% ngân sách nhà nước được đầu tư vào nông thôn, trong đó 38% trực tiếp cho nông, lâm, thủy sản. Do đó, trong năm nay, các địa phương phải lồng ghép, sử dụng nguồn vốn này để hỗ trợ cho nông dân.

Ông Lê Xuân Thủy - Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định: Bắt tay vào cụ thể hóa xây dựng nông thôn mới

Với tỉnh Nam Định, năm 2013 được xác định là năm kiên trì đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng NTM, tạo sự bứt phá trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiện nay, công tác quy hoạch NTM ở Nam Định cơ bản hoàn thành, nhiệm vụ năm 2013 là bắt tay vào để cụ thể hóa những bản quy hoạch đó.

Với ngành nông nghiệp, chúng tôi xác định trong năm 2013 phải thực hiện 3 nhiệm vụ chính; đó là: Hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa và chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Trong nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất cây vụ đông, xem đây là một biện pháp thâm canh tăng vụ hiệu quả, phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phải khẩn trương bắt tay vào thực hiện các công việc liên quan đến xây dựng NTM; phấn đấu dứt khoát trong năm 2013 các xã phải hoàn thành quy hoạch NTM và Đề án xây dựng NTM. Đặc biệt, ở các xã điểm sẽ phấn đấu đạt thêm nhiều tiêu chí để sớm hoàn thành, nhân rộng cho các xã khác trong toàn tỉnh.

Ông Bùi Quang Nhã, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức (Hà Nội): Sẵn sàng vận động nhân dân hiến đất

Là một điển hình trong việc hiến đất làm NTM, ông Bùi Quang Nhã cho biết: "Thôn tôi có địa hình giáp sông, nên cứ đến mùa mưa là đường lại bị sạt lở. Để khắc phục điều này, không có cách gì khác là các hộ dân phải đóng góp công sức, tiền của, đất đai vào để kè sông. Trước nhu cầu đó, gia đình tôi đã chủ động hiến 160/420m2 đất thổ cư để kè mở rộng đường.

Từ đó, tôi cũng vận động các hộ dân trong thôn tham gia hiến đất, kết quả bước đầu các hộ đã hiến được 500m2 đất với hàng nghìn cây cối. Ngoài ra, các hộ cũng hiến hàng nghìn m2 đất ruộng để làm giao thông nội đồng. Trong năm 2013 này, tôi sẽ tiếp tục vận động nhân dân hiến đất nhiều hơn nữa để làm NTM".

Ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng): Đưa các xã điểm về đích

Huyện Hòa Vang hiện có 11 xã đang triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2015 có 6 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương. Riêng 2 xã Hòa Tiến và Hòa Châu đang phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2013.

Đến năm 2017, toàn huyện sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Để thực hiện hóa được mục tiêu này, huyện Hòa Vang đang tập trung toàn lực xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, các công trình công cộng, đặc biệt là các công trình văn hóa, để đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn.

Ông Tăng Minh Lộc- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT): Phấn đấu đạt 200 xã nông thôn mới

Năm 2012, Chương trình dựng NTM dù đã đạt nhiều kết quả đáng mừng, nhưng tcũng còn tồn tại như quye định về biên chế, tổ chức, chế độ phụ cấp… của bộ phận chủ đạo, triển khai chương trình ở các cấp nhất là cấp huyện và xã chưa đủ và rõ; công tác chỉ đạo "điểm" còn mờ nhạt; bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa đồng bộ giữa các địa phương. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển sản xuất cấp xã chưa có nên sản xuất còn tự phát. Việc huy động nguồn lực từ các nguồn ngoài ngân sách còn hạn chế…

Với những hạn chế trên, trong năm 2013, Bộ NNPTNT tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình xây dựng NTM, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách; tập trung hoàn thành công tác quy hoạch và lập đề án NTM cấp xã đảm bảm đúng tiến độ và chất lượng.

Năm 2013, các địa phương cần dành ngân sách bố trí cho Chương trình và huy động các nguồn lực xã hội để làm chuyến biến một bước hạ tầng cơ sở cấp xã. Đồng thời, chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung chuyển biến về đổi mới cơ cấu và sản xuất để tăng nhanh thu nhập cho cư dân nông thôn. Mỗi thôn, xã xây dựng ít nhất một mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Mục tiêu hết năm 2013 phấn đấu có 200 xã được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn NTM, giảm số xã đạt 5 chỉ tiêu trở xuống còn dưới 40%.

Ông Ngô Xuân Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng (Nghệ An): Cần tự thân vận động

Là xã miền núi khó khăn, vì vậy Đảng bộ và chính quyền xã, xóm ở Nghĩa Đồng đã lấy phương châm vận động tổ chức quần chúng chung tay góp sức, tự thân vận động là chính. Nhờ đó, bà con nông dân nhiều nơi đã tự nguyện góp tiền của ngày công ra làm đường.

Hơn nữa, chúng tôi biết kêu gọi truyền thống quê hương phát hiện điển hình để tạo nên phong trào chung. Không những bà con trong xã mà còn có một số doanh nghiệp làm ăn khá cũng tự nguyện ủng hộ vật chất làm đường.

Tính đến nay toàn xã Nghĩa Đồng đã làm được gần 30km đường bê tông đạt tiêu chuẩn. Ruộng đất cũng đã được quy hoạch lại, đường sá rộng mở toàn rải nhựa và đổ bê tông. Toàn xã có 2.200 hộ, thì 100% đã có nhà xây kiên cố và ngói hoá. Nghĩa Đồng hiện đã đạt 17 tiêu chí NTM và phấn đấu 2 tiêu chí còn lại sẽ đạt trong năm nay.