Kỳ vọng mới cho ngành nông nghiệp

Tại hội nghị sơ kết vụ vải do tỉnh Bắc Giang tổ chức vào giữa tháng 8 vừa qua, một tin vui lớn làm nức lòng và tạo nhiều kỳ vọng mới cho bà con trồng cây ăn quả nói riêng, cho ngành nông nghiệp nước ta nói chung, đó là lần đầu Viện Nghiên cứu và phát triển vùng Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ CAS (Cells Alive System) - công nghệ đông lạnh nhanh kết hợp từ trường - giúp quả vải giữ nguyên chất lượng, có thể vận chuyển, tiêu thụ rộng rãi trên thế giới, tới các thị trường xa xôi nhất và nóng bức nhất.

 

Được thực hiện bằng tủ có dao động điều hòa âm 250C, công nghệ bảo quản CAS khiến các nguyên tử nước bên trong thực phẩm bị đông lạnh lại trong khi nhận rung chấn, quá trình cấp đông xảy ra gần như từ trong ra ngoài bề mặt sản phẩm, hạn chế phân tử nước kết tinh, không phá vỡ cấu trúc mô tế bào, ức chế quá trình bị ô-xy hóa, phòng, chống sự gia tăng nhiễm khuẩn và chống nâu hóa vỏ quả, cho phép sau một năm thu hái, trạng thái, hương vị, mầu sắc của quả vải đạt 18,86/20 điểm, chất lượng đạt 80-90% so với quả vải tươi ban đầu.

Bảo quản bằng công nghệ cao CAS khiến quả vải sẽ có giá từ 100 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/kg; bù lại, doanh nghiệp có thể xuất khẩu bán quả vải đó với giá cao hơn hẳn, từ 250 nghìn đồng/kg và cao hơn, tùy thị trường và thời điểm cụ thể (trong vụ vải thiều 2015, vải thiều Việt Nam bán tại thị trường Ô-xtrây-li-a có giá ban đầu là 21 AUD đến 22 AUD/kg, sau đó giảm xuống 15 AUD đến 16 AUD/kg, tương đương khoảng 250 nghìn đồng/kg do có sự cạnh tranh từ Thái-lan và Trung Quốc). Những loại cây ăn quả khác (xoài, thanh long, nhãn, bưởi, dưa hấu...) hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ này để giảm tổn thất do hư hỏng và tình trạng bị ép giá bán thấp, chấm dứt cảnh “được mùa rớt giá”, “trồng rồi chặt” như một điệp khúc buồn kéo dài bấy lâu nay.

Nông nghiệp Việt Nam đang tạo ra khoảng 20% GDP, đóng góp tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 hơn 30 tỷ USD và là sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân. Việc chậm trễ ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ bảo quản đã, đang và sẽ còn gây thiệt hại tài chính cho nông dân, tổn thất chung nhiều mặt cho xã hội, suy giảm động lực phát triển nông nghiệp và cả nền kinh tế.

Những đột phá chính sách và cách làm trong thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định 1985/QĐ-TTg ngày 17-12-2012 là cần thiết. Trước mắt, Nhà nước cần tập trung nguồn lực từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các nguồn lực khác, qua hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; đầu tư nâng cao năng lực một số viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ ở các vùng, nhằm hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, hướng vào các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng, có giá trị cao về kinh tế, đối tượng chính là rau, hoa, quả, chăn nuôi, thủy sản,... phù hợp chủ trương tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương thuộc quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015 (giai đoạn đến năm 2020) cần chủ động huy động nguồn lực, bảo đảm đủ kinh phí đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; từng bước xây dựng và phát triển một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đột phá trong ứng dụng công nghệ cao trước hết trong bảo quản, bảo đảm được chất lượng và thời gian vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch, đồng thời hiện đại hóa, nâng cấp văn minh thương mại, khắc phục tình trạng bán hàng kiểu đổ đống, không bao bì, nhãn mác, thương hiệu không áp phích, poster giới thiệu… là những động lực mới, mở ra cơ hội mới, kỳ vọng mới cho trái cây và ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo TS NGUYỄN MINH PHONG/nhandan.org.vn