Kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu trái cây đạt 3,6 tỷ USD vào năm 2020

Kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu trái cây đạt 3,6 tỷ USD vào năm 2020
Bộ NN-PTNT vừa phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam” nhằm tìm ra những giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững cho cây ăn quả…

Nhiều thách thức

Những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Thu hoạch trái vú sữa xuất khẩu

Theo báo cáo, hiện nay khu vực phía Nam có 14 loại quả có diện tích lớn, trên 10.000 ha/loại. Trong đó, đứng đầu là xoài 80.000ha, chuối 78.000ha, thanh long 53.000ha, cam 44.000ha, bưởi 44.000ha, nhãn 35.000ha, sầu riêng 47.000ha, dứa 33.000ha, chanh 27.000ha… ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả chủ lực, chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả ở phía Nam; còn vùng Đông Nam bộ chiếm 17%; vùng Duyên hải Nam Trung bộ 15% và vùng Tây Nguyên 10%.

Năm 2018, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng trên 47,3% so năm 2017; trong đó ước tính các sản phẩm từ quả chiếm trên 80% tổng giá trị. Các loại quả xuất khẩu chủ yếu là thanh long (chiếm 1,1 tỷ USD); kế đó là chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, măng cụt, sầu riêng. Năm 2018, hàng rau quả của Việt Nam xuất sang 13 thị trường lớn trên thế giới, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 73,1% thị phần, còn lại là các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Úc…

Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, diện tích cây ăn quả còn phân tán, không tập trung nên rất khó khăn cho các đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện chỉ có một số loại trái như thanh long, chuối, cây có múi đang hình thành các vùng sản xuất tập trung và chuyên canh với quy mô lớn. Do đó, sản xuất cây ăn quả nước ta nói chung và ở phía Nam nói riêng đang đứng trước khá nhiều thách thức, cần tháo gỡ để phát triển bền vững. 

 

Hạn chế lớn nhất hiện nay là khâu tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều trong việc liên kết sản xuất với HTX. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu như khô hạn, xâm nhập mặn, tình hình bệnh vàng lá Greening trên cam, quýt, chổi rồng hại nhãn, đốm trắng thanh long và việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) và tuổi thọ vườn cây…

Hiện cả nước có khoảng 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp với tổng công suất trên 800.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, trái cây được đưa vào chế biến còn ít cả về chủng loại và sản lượng. Riêng miền Nam có 71 cơ sở chế biến, nhưng hầu hết các nhà máy chế biến đều trong tình trạng “đói” nguyên liệu, công suất thực tế chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế.

Đa số các nhà máy chế biến hiện chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, việc liên kết sản xuất, bảo quản và chế biến còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm chế biến còn đơn giản dưới dạng thô, chất lượng thấp, nguy cơ mất ATTP cao. Hơn nữa, khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến của các nhà máy cũng còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt với các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU…  

Mở rộng diện tích cây chủ lực

Theo Cục trồng trọt, năm 2018 diện tích cây ăn quả phía Nam ước đạt 596.331ha (chiếm 60% diện tích cây ăn quả cả nước). Tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn (chiếm khoảng 67% sản lượng quả cả nước, tăng trên 61% so năm 2010).

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện diện tích cây ăn trái Tiền Giang không ngừng tăng lên; đặc biệt với cây sầu riêng thời gian gần đây diện tích đang “tăng nóng”. Năm 2018 đạt hơn 77.700ha, tăng khoảng 9.000ha so với năm 2013; sản lượng thu hoạch đạt 1.498 triệu tấn, tăng 0,344 triệu tấn so năm 2013 (1,154 triệu tấn). Tuy nhiên, tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún còn khá phổ biến.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng cho rằng, hiện công tác quản lý giống cây trồng gặp nhiều khó khăn do kinh doanh giống cây trồng thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, chưa có văn bản hướng dẫn về việc cấp phép sản xuất cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào sản xuất - kinh doanh giống cây trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm. “Việc trồng cây ăn trái, nhất là cây có múi một cách tự phát, nhà vườn mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc khiến tình hình dịch bệnh càng phát triển gây hại mạnh trong những năm gần đây”, ông Tuyên chia sẻ. 

12-18-52_2
Nhà vườn vui khi trái xoài được xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh kiến nghị đến các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị, quảng bá giới thiệu các sản phẩm cho thị trường trong nước và ngoài nước; tăng cường hỗ trợ đầu tư hệ thống kênh thông tin về giá cả thị trường, thông tin khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, các ngành cũng hỗ trợ công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch; hỗ trợ nghiên cứu, chọn tạo các giống thanh long nhằm đa dạng sản phẩm và các biện pháp quản lý, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp trên thanh long và chanh… 

Theo Bộ NN-PTNT, để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu quả trên 3,6 tỷ USD, việc tổ chức lại sản xuất là vấn đề cấp bách; trong đó chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn. Mỗi tỉnh, thành phố nên chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển NTM trên địa bàn. Tuyên truyền vận động nông dân liên kết với nhau tổ chức sản xuất, hình thành các HTX, tổ hợp tác, xây dựng vùng trồng tập trung chuyên canh. Đặc biệt là các HTX kiểu mới với vai trò liên kết sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kết nối các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm.

Các địa phương cần triển khai thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tiếp tục mở rộng diện tích một số cây ăn quả chủ lực có giá trị xuất khẩu như chuối, xoài, dứa, nhãn... nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu. Đồng thời, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, ATTP, giảm giá thành; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP, hữu cơ), đẩy mạnh sản xuất rải vụ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh

“Cần nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường chế biến sâu các sản phẩm quả, gia tăng giá trị sản xuất; đồng thời, tránh các hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm tươi sống, mở rộng thị trường, tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, quan tâm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
nhấn mạnh.
Theo Minh Sáng/Báo Nông Nghiệp.vn