LĐLĐ tỉnh Lào Cai: Xây dựng nông thôn mới gắn với tạo việc làm

Từ mô hình đến phong trào

Bà Tạ Thị Thu Huyền - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lào Cai - cho biết, xác định phong trào xây dựng NTM là rất quan trọng, vì vậy, ngay từ đầu, LĐLĐ tỉnh không chỉ tập trung chỉ đạo 164 CĐCS xã, phường, mà còn tập trung tuyên truyền, vận động huy động các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, DN và nhân dân phải vào cuộc để đem lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh việc vận động, truyên truyền; đào tạo, tập huấn; huy động nguồn nhân lực, LĐLĐ tỉnh còn lựa chọn, xác định 3 mô hình ưu tiên xây dựng NTM trong giai đoạn 2011-2015, đó là: Phát triển SX, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trồng các cây có giá trị kinh tế cao; làm đường giao thông nông thôn; cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, vệ sinh môi trường nông thôn, phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Từ mô hình này, LĐLĐ tỉnh phối hợp cùng Ban chỉ đạo huyện, xã xây dựng kế hoạch và đăng ký thực hiện 3 phong trào thi đua chuyên đề nhằm thực hiện xây dựng NTM một cách thiết thực, hiệu quả. Qua các phong trào thi đua này, “bộ mặt” của nông thôn thay đổi rõ rệt. Huyện Bát Xát là một ví dụ điển hình. Từ khi có phong trào thi đua xây dựng NTM, điều kiện sống và đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt nhờ phong trào chuyển dịch kinh tế nông nghiệp và phong trào vệ sinh môi trường nông thôn; hàng nghìn mét đường bêtông được rải khắp các làng, xã; đời sống văn hóa tinh thần cũng được nâng lên nhờ có thêm nhà văn hóa, CLB văn hóa... Hiện nay, 100% số hộ gia đình CBCC có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Đặc biệt, 59 hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại xã Quang Kim đã được LĐLĐ huyện tham mưu cho Ban chỉ đạo nông thôn mới của huyện ra văn bản phân công 54 cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện giúp đỡ chỉnh trang lại nhà cửa, xây dựng công trình vệ sinh hoàn thành tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Kết quả đã làm được 51 công trình, trong đó xây mới 49 nhà vệ sinh, 2 chuồng nuôi gia súc trị giá hơn 200 triệu đồng.

Hỗ trợ giải quyết việc làm

Cũng theo bà Tạ Thị Thu Huyền, chương trình xây dựng NTM với phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã tác động đến việc chuyển đổi cơ cấu lực lượng LĐ ở nông thôn theo hướng từ LĐ thuần nông, giản đơn, nhỏ, lẻ sang LĐ mang tính chuyên nghiệp và tập trung hơn. Vì thế, tạo ra nhiều việc làm hơn. Đặc biệt, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp cũng đòi hỏi phát triển loại hình kinh tế phi nông nghiệp bằng cách đẩy mạnh đầu tư để khuyến khích các hộ dân chuyển sang làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. “Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống tại vùng nông thôn để giải quyết việc làm cho nhiều LĐ. Có thể nói, việc thực hiện thành công 3 mô hình xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM, phát huy thế mạnh của từng địa phương trong chuyển đổi cơ cấu LĐ, hỗ trợ giải quyết việc làm và tạo việc làm cho hàng trăm LĐ...”. Bà Tạ Thị Thu Huyền 
cho biết thêm.

Theo Trương Hoàng/laodong.com.vn