Lào Cai: Khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo

Những năm qua, được hưởng lợi từ các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, diện mạo nông thôn vùng cao trong tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân các dân tộc không ngừng được cải thiện, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Từ các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, diện mạo nông thôn vùng cao ngày càng khởi sắc

Các chính sách hỗ trợ đã giúp người nghèo là dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ dịch vụ về văn hoá, xã hội; hỗ trợ kịp thời để người dân có điều kiện vươn lên xóa đói, giảm nghèo, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại hạn chế cần được quan tâm. Cụ thể, về xây dựng cơ bản triển khai còn chậm, việc giám sát của chủ đầu tư và giám sát của cộng đồng đối với các công trình xây dựng cơ bản tại các xã, thôn còn hạn chế, dẫn đến một số công trình vừa bàn giao đưa vào sử dụng đã hỏng, công trình nhanh xuống cấp.

Cùng với đó, công tác duy tu, bảo dưỡng chưa kịp thời: Đối với Chương trình 135, ước khối lượng thực hiện đến 30/6/2015 được hơn 25,5 tỷ đồng (đạt 19,13% kế hoạch); tiến độ triển khai nguồn vốn chậm, ước giải ngân được 30 tỷ đồng (đạt 22,5% kế hoạch). Thực hiện Nghị quyết 30a/QĐ-TTg, theo kế hoạch vốn đầu tư 87,58 tỷ đồng cho 90 công trình, tính đến ngày 31/5/2015, giá trị khối lượng thực hiện mới đạt 35 tỷ đồng (bằng 28,82% kế hoạch), giải ngân đạt hơn 30,2 tỷ đồng (bằng 24,94% kế hoạch). Về hỗ trợ huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg, kế hoạch giao vốn năm 2015 là 54 tỷ đồng, đầu tư 46 công trình, tính đến 30/5/2015 mới giải ngân được 8 tỷ đồng (đạt 14,8% kế hoạch), nhiều công trình mới đang trong giai đoạn bàn giao mặt bằng và khởi công...

Cùng với đó, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo Chương trình 135 và Nghị quyết 30a, trong 6 tháng đầu năm 2015, nhìn chung tiến độ triển khai còn chậm. Cụ thể, vốn hỗ trợ theo Chương trình 135 (năm 2014) là 30,82 tỷ đồng, mới giải ngân được 86,2% kế hoạch; nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a (năm 2015) mới đạt 36% kế hoạch (Bắc Hà hoàn thành 4%).

Nguyên nhân là do việc lập kế hoạch, dự án sản xuất quy mô còn nhỏ, lẻ, manh mún; các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất mới dừng lại ở khâu giải ngân kế hoạch nhà nước, chưa có tính lan tỏa cao trong cộng đồng. Một hạn chế nữa phải kể đến là thực hiện Quyết định 102/QĐ-TTg về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn với tổng kinh phí hơn 11,7 tỷ đồng, hỗ trợ 15.292 khẩu thuộc các xã khu vực II và 104.834 khẩu các xã khu vực III cơ bản đạt tiến độ, người nghèo đã được nhận giống lúa, ngô để đầu tư phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc hỗ trợ giống lúa cùng chủng loại theo cơ cấu giống của tỉnh, chất lượng gạo cứng, nên một số người dân sau khi nhận giống chưa sử dụng đúng mục đích...

Trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai cơ bản kịp thời, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn sai sót. Theo báo cáo của Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai tại một số đơn vị đã phát hiện chi sai, tiến hành thu hồi lại từ năm 2012 - 2014 là hơn 449 triệu đồng; việc thu học phí tại một số trường vùng cao khó thực hiện; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; việc đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số còn khó khăn, vẫn còn tình trạng đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu của người dân, nên sau đào tạo chưa phát huy được hiệu quả. Thực hiện Quyết định 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấp báo, tạp chí không thu tiền cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong 6 tháng đầu năm đã cấp 829.289 tờ/24 đầu báo, tạp chí. Nhưng qua khảo sát cho thấy, việc khai thác thông tin trên báo của các đối tượng được thụ hưởng đôi lúc chưa hiệu quả, cấp phát báo đến các đối tượng chưa kịp thời.

Để việc thực hiện các chính sách dân tộc trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cần có sự chỉ đạo các chủ đầu tư đôn đốc việc quyết toán các công trình hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp và công trình khởi công mới. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát các công trình xây dựng cơ bản, gồm giám sát của chủ đầu tư và giám sát cộng đồng; quan tâm nâng cao chất lượng công trình, đảm bảo các công trình xây dựng phát huy hiệu quả sử dụng theo thiết kế. Kiểm tra và xem xét hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất trong Chương trình 135, Nghị quyết 30a, đảm bảo phải phù hợp, tập trung đầu tư các mô hình dự án trọng tâm, trọng điểm có quy mô phát triển và có thể nhân rộng, tránh việc xây dựng các mô hình nhỏ lẻ, manh mún. Việc cấp giống và hướng dẫn nhân dân xây dựng vườn ươm tại chỗ để đảm bảo việc trồng rừng phải do người dân chủ động; hỗ trợ giống theo Quyết định 102 nên linh hoạt, đảm bảo thuận tiện nhất cho đối tượng được hưởng lợi. Tăng cường công tác quản lý nhà nước ở địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số “an cư lạc nghiệp’’ nhằm hạn chế tối đa tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, di cư tự do, sang Trung Quốc làm thuê... Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích nhân dân vươn lên thoát đói, nghèo, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.

Theo: chuongtrinh135.vn