Lào Cai: Xây dựng Nông thôn mới Bảo Thắng trong quá trình đô thị hóa

Lào Cai: Xây dựng Nông thôn mới Bảo Thắng trong quá trình đô thị hóa
(Xây dựng) - Nhờ thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM) huyện Bảo Thắng – Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Diện mạo chung của huyện, nhất là các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Nông thôn mới gắn với đô thị hóa ở Bảo Thắng.

Phong trào thi đua xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông thôn được nhân dân trên địa bàn hưởng ứng tích cực. Qua 7 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM toàn huyện đã xây dựng được 417,3km, riêng năm 2017 toàn huyện đã thực hiện cứng hóa 60,315km. Tỷ lệ hộ nghèo 14,4% (giảm 14,24% so với năm 2015); Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt 93,1% (tăng 1,1% so với năm 2015);

Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư mạnh mẽ nhất là giao thông nông thôn, các cơ sở trường lớp học, trạm y tế, thuỷ lợi, điện, mạng lưới thông tin truyền thông… từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Công tác văn hoá - xã hội tiếp tục được quan tâm phát triển, chất lượng giáo dục đào tạo nâng lên toàn huyện đã có 43 trường/84 trường đạt chuẩn Quốc gia (Tăng 4 trường so với năm 2015). Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho người dân ngày càng được nâng cao. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh và phong trào thi đua toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai sâu rộng. Năm 2017 có 245/260 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa đạt 94,2%. Hệ thống chính trị được củng cố, trình độ cán bộ ngày càng được nâng lên, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cấp xã đã chủ động thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị, chính trị - xã hội cấp xã được nâng lên, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Với những nỗ lực trên, kết thúc năm 2017 tổng số tiêu chí của toàn huyện tăng lên 166 tiêu chí, so với năm 2015 tăng 22 tiêu chí, số tiêu chí đạt chuẩn trung bình/xã là 13,83 tiêu chí/xã, tăng 1,83 tiêu chí so với năm 2015, tăng 0,53 tiêu chí so với năm 2016.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Bảo Thắng đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM; thành lập, kiện toàn văn phòng điều phối xây dựng NTM; phân công lãnh đạo các đơn vị giúp đỡ các xã, thôn xây dựng NTM; đồng thời, tổ chức xây dựng và thực hiện Đề án NTM giai đoạn 2011–2015 và 2016-2020. Với việc chủ động, sáng tạo trong thực hiện cơ chế chính sách của trung ương, tỉnh trong việc bố trí nguồn lực; đồng thời, lựa chọn những nhiệm vụ trong tâm và đẩy mạnh các phong trào thi đua do Trung ương, tỉnh phát động. Sau 10 năm thực hiện, diện mạo nông thôn huyện Bảo Thắng có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư nâng cấp; giao thông nông thôn được cải thiện, đến nay 100% số xã có đường bê tông hoặc rải nhựa đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội, 100% số xã, thị trấn có điện lưới quốc gia. Sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ổn định, từng bước mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa, phát triển mạnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao; năng suất chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao; thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn được nâng lên (thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 20,76 triệu đồng/người/năm); đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm nhanh từ 27,2% năm 2008 xuống còn 14,4% năm 2017 (theo tiêu chí mới); an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo, dân chủ ở cơ sở được phát huy.

Phát triển hệ thống giao thông nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được quan tâm triển khai thực hiện và được xác định là động lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn toàn huyện. Đến hết năm 2017, toàn huyện triển khai thực hiện được 705,36 km đường giao thông nông thôn, trong đó bê tông xi măng và cấp phối là 663,46 km; Đường mở mới 41,9km. Đến nay, có 5/12 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông, tăng 1 xã so với giai đoạn 2011 - 2015. Toàn huyện có 229 công trình thủy lợi với tổng chiều dài 866,02km kênh mương. Tính đến hết năm 2017, đã kiên cố hóa được 642,02 km kênh mương, còn lại 224 km kênh đất. Cơ bản hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã đảm bảo chủ động tưới cho 100% diện tích lúa. Đến nay, toàn huyện có có 12/12 xã đạt chuẩn tiêu chí, tăng 01 xã so với giai đoạn 2011-2015. Hệ thống điện nông thôn trên địa bàn huyện luôn được quan tâm đầu tư. Đến hết năm 2017, 12/12 xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ thôn, tổ dân phố có điện lưới quốc gia đạt 98,08% (255 thôn/260 thôn). Đến nay, có 9/12 xã khu vực nông thôn đạt tiêu chí hệ thống điện, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện, có 12/12 xã có tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn. So với chuẩn nông thôn mới về điện nông thôn, đến nay, toàn huyện có 9/12 xã đạt tiêu chí về điện, tăng 3 xã so với giai đoạn 2011-2015.

Cơ sở trường học được xây dựng trường đảm bảo có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia được xác định là nhiệm vụ quan trọng để các xã phấn đấu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Theo chuẩn quốc gia về giáo dục có 43/84 trường học đạt chuẩn và theo tiêu chí NTM có 6/12 xã đạt tiêu chí trường học, tăng 1 xã so với giai đoạn 2011 – 2015. Cơ sở vật chất văn hóa ngày càng được đầu tư phát triển, hiện toàn huyện có 8/12 xã có nhà văn hóa kết hợp hội trường đa năng, 252/260 thôn có nhà văn hóa thôn; 9/12 xã có 100% số thôn có nhà văn hóa sinh hoạt. Đến nay đã có 7/12 xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tăng 02 xã so với giai đoạn 2011-2015.

Hạ tầng thương mại phát triển mạnh, hệ thống chợ nông thôn từng bước được hoàn thiện, hiện có 9/12 xã có chợ (xã Sơn Hải, Phố Lu không quy hoạch chợ; xã Trì Quang đang xây dựng chợ) và trên 600 cửa hàng bán lẻ truyền thống. Toàn huyện có 11/12 xã đạt chuẩn NTM về cơ sở hạ tầng thương mại, tăng 1 xã so với giai đoạn 2011-2015. Hạ tầng thông tin truyền thông phát triển nhanh, toàn huyện đến nay có 12/12 xã có điểm phục vụ bưu chính; có dịch vụ viễn thông và internet; có hệ thống truyền thanh đến các thôn; ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành. So với chuẩn NTM có 12/12 xã hoàn thành tiêu chí, không tăng so với giai đoạn 2011-2015. Về nhà ở dân cư nông thôn, từ 2008 đến nay, đã hỗ trợ các hộ nghèo xóa 4.580 nhà tạm, nhà ở dột nát; nâng số xã hoàn thành tiêu chí về nhà ở dân cư lên 6/12 xã, tăng 02 xã so với giai đoạn 2011-2015.

Chính nhờ đầu tư, sử dụng có hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng NTM mà đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 14% năm 2017, sản lượng lương thực trên 99.000 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng/người/năm.

Tiếp tục xác định phát triển kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, tạo nền tảng cơ bản thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác thế mạnh, phát huy các tiềm năng, huy động các nguồn lực trong và ngoài huyện, chú trọng công tác quản lý quy hoạch trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo tiêu chí NTM. Phấn đấu đến năm 2020, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội huyện tương đối đồng bộ và theo hướng hiện đại, góp phần đẩy nhanh lộ trình xây dựng NTM ở địa phương.

Triển khai thực hiện Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện, giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 676/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; tỉnh Lào Cai lựa chọn huyện Bảo Thắng để làm thí điểm xây dựng huyện NTM gắn với quá trình đô thị hóa. Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai giao Sở Xây dựng chủ trì lập quy hoạch vùng huyện Bảo Thắng để làm thí điểm xây dựng huyện NTM gắn với quá trình đô thị hóa thời gian năm 2017 – 2018; Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bảo Thắng và các ngành liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch, kinh phí, nguồn vốn thực hiện để huyện Bảo Thắng hoàn thành NTM vào năm 2018 theo tiêu chí huyện NTM được quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, UBND huyện Bảo Thắng có trách nhiệm phối hợp cơ quan chuyên ngành điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung xã NTM đảm bảo phù hợp với các định hướng lớn xác định trong quy hoạch xây dựng vùng huyện với tổng số 12 xã của huyện, và lập quy hoạch chi tiết xây dựng các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện Bảo Thắng, thời gian năm 2017 – 2018.

 

Phương Mai/baoxaydung.com.vn