Lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam
- Chủ nhật - 05/02/2017 08:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, ông Qusmane Dione đã chia sẻ dự cảm về tương lai Việt Nam.
Những tháng ngày sống ở Việt Nam gợi cho ông ấn tượng như thế nào?
Tôi lớn lên từ một đất nước đang phát triển và đã làm việc ở nhiều nước đang phát triển khác nên đến Việt Nam tôi hòa nhập khá nhanh.
Tôi đến Việt Nam tháng 9/2016. 2016 là năm GDP của Việt Nam không đạt mục tiêu nhưng tôi vẫn lạc quan, bởi nhìn quanh thế giới, chúng ta thấy liệu có bao nhiêu nước đã tăng trưởng được 6% như Việt Nam? Chưa kể, Việt Nam đứng thứ 8 trên toàn thế giới trong kỳ thi PISA, và nền kinh tế có nhiều thay đổi tích cực nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, diễn biến thế giới ngày càng phức tạp đặt ra nhiều hơn thách thức cho Việt Nam.
Vâng, chúng tôi đang có những ý kiến nghi ngờ về con đường hội nhập và toàn cầu hóa, lợi ích thu được không xứng đáng với những thách thức phải đối mặt. Vậy có nên tiếp tục mở rộng cửa hội nhập khi nhiều nước đang muốn đóng cửa và quay về nội địa?
Toàn cầu hóa diễn ra từ trước đến nay là rất tốt với Việt Nam, mang lại nhiều thay đổi tích cực như giúp xây dựng vị thế Việt Nam trên toàn cầu, mang lại những kết quả tích cực về phát triển, xóa đói giảm nghèo, góp phần thay đổi cách sống và cải thiện cuộc sống của người Việt Nam.
Toàn cầu hóa không những đem lại tính cạnh tranh về mặt kinh tế mà còn cả tính cạnh tranh về mặt tri thức. Người dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ của Việt Nam học hỏi nhiều hơn từ thế giới và ngược lại.
Quá trình hội nhập mạnh mẽ cộng với những cải cách Việt Nam đã làm trong 30 năm qua, Việt Nam thực sự đã là một câu chuyện thành công với những bài học rất tốt cho nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới.
Tôi cũng đã nghe có những người băn khoăn Việt Nam mở cửa hội nhập quá rộng và liệu bây giờ có còn phù hợp khi mà xu hướng chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại? Tôi cho rằng mở cửa để chúng ta có lợi từ nhau quan trọng hơn là đóng cửa lại để chỉ loay hoay ở thị trường nội địa.
Báo cáo Tầm nhìn Việt Nam 2035 đã phác thảo một viễn cảnh rõ ràng về đích đến của Việt Nam: Một nước công nghiệp hiện đại. Vậy cách đi nào có thể đưa tầm nhìn và viễn cảnh đẹp này thành hiện thực, theo ông?
Báo cáo 2035 đặt ra viễn cảnh rất tốt và cần những bước đi và cải cách cụ thể. Đó là tiếp tục cải cách DNNN mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả hơn cho khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích mạnh hơn nữa tinh thần kinh doanh và sáng tạo…
Để tiếp tục tiến lên phía trước, Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động đang tăng khá thấp hiện nay, chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và cần cân bằng sự phát triển và kéo người nghèo cùng tiến lên thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo. Bên cạnh việc tiếp tục cải cách làm thế nào để tăng giá trị gia tăng từ sáng tạo lên nữa, tính cạnh tranh cao hơn, đây là cách thức để tăng năng suất lao động.
Bảo vệ môi trường tại sao ngày càng quan trọng và thực sự là thách thức lớn của Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Tăng trưởng kinh tế là rất tốt và nước nào cũng cần tăng trưởng, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nhưng tăng trưởng với tất cả mọi giá, kể cả mất môi trường hay mất ổn định vĩ mô hay tăng trưởng thì đó không phải là lựa chọn tốt. Đơn cử như đi cùng sự phát triển kinh tế thì ở Việt Nam, phát thải khí thải nhà kính đang tăng lên rất cao, nhiều nơi môi trường bị ô nhiễm.
Và cách mà Việt Nam giải quyết các thách thức để tiến lên phía trước, chắc ông đã nghe đến những cuộc tranh luận liệu có cần phát triển công nghiệp kiểu xây nhà máy thép?
Việt Nam phát triển, không thể nào để tất cả các công nghệ đều cũ, đợi 100 năm sau mới cải tiến mà phải chuyển đổi dần sang những công nghệ mới.
Trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây, tôi thấy chúng tôi có định hướng giống nhau về một số vấn đề phát triển của Việt Nam. Đặc biệt là phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và môi trường. Một nước đang phát triển rõ ràng là cần đi qua quá trình công nghiệp hóa nhưng phải là quá trình công nghiệp hóa phù hợp bảo vệ được môi trường.
Việt Nam cần triển khai hiệu quả hơn các chính sách và giải pháp để thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, các nguồn phát thải các-bon thấp, tăng sử dụng các năng lượng sạch, tái tạo như điện gió, điện mặt trời (mà Việt Nam có rất nhiều tiềm năng)… Đây là cách đi để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Đây sẽ là lĩnh vực cần phải nhấn mạnh trong nghị trình tăng trưởng tiếp theo của Việt Nam. Chúng ta cần đưa ra các khung chính sách quản lý và khuôn khổ luật pháp chặt chẽ về bảo vệ môi trường. Quan trọng không kém là phải thực thi. Rất nhiều quốc gia đã có quy định, khung chính sách tốt nhưng điểm yếu là thực thi kém thì cũng rất đáng tiếc.
Ông có thể cho biết đâu là những việc ưu tiên hàng đầu của ông tại Việt Nam trên cương vị của mình?
Ba ưu tiên hàng đầu của tôi là dẫn dắt quá trình tốt nghiệp IDA của Việt Nam, tiếp tục phát triển quan hệ đối tác và hợp tác của WB với chính quyền cấp trung ương và địa phương của Việt Nam sâu hơn nữa và tôi sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi hiện thực hóa những mục tiêu trong Báo cáo Tầm nhìn Việt Nam 2035 giúp Việt Nam trở thành một nước công nghiệp trong vòng một thế hệ. Chúng tôi sẽ tập trung vào xây dựng Khuôn khổ hợp tác Quốc gia hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang mô hình phát triển mới, tập trung nâng cao năng suất lao động, hướng tới toàn xã hội và phát triển bền vững.
Hiện nay Việt Nam vẫn sẽ cần ODA. Nhưng tôi tin đến một thời điểm nào đó trong tương lai có thể là năm 2035 Việt Nam không những không nhận ODA nữa mà còn có thể đóng góp vào tài trợ ODA. Người Việt Nam năng động, chăm chỉ và luôn có tinh thần vươn lên nên sẽ không có gì là không thể và tôi tin các bạn sẽ làm được.
Xin cảm ơn ông!