Lai Châu: Phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với du lịch

Lai Châu: Phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với du lịch
Với lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, tỉnh Lai Châu sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản như sản phẩm chè, nếp tan Co Giàng, miến dong Bình Lư, Sa nhân, Đương quy, Sơn tra... Hầu hết các sản phẩm này đều được người dân đánh giá cao và ưa dùng. Để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp hiện đang được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Lai Châu quan tâm hướng đến.
 

Vườn cam xã Bản Giang, huyện Tam Đường.

 

 

Xác định việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là hướng đi đúng nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ đó quảng bá các sản phẩm từ nông nghiệp. Thời gian qua, tỉnh đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu tốt; nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến được áp dụng (biện pháp IPM, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt...) và cơ giới hóa vào các khâu của quá trình sản xuất. Qua đó, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ cho người dân và hình thành các vùng sản xuất tập trung theo huớng hàng hóa như: Vùng trồng cây ăn quả ôn đới, vùng chè, vùng trồng chuối, vùng trồng lúa chất lượng cao, cá nước lạnh, liên kết sản xuất đã hình thành, an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng trong sản xuất nông nghiệp nhằm phục vụ Nhân dân nói chung và khách du lịch nói riêng. Đến nay, tỉnh đã triển khai được 3.021 ha cánh đồng lúa gạo chất lượng cao sản xuất tập trung; hơn 6.000 ha cây ăn quả, trong đó cây chuối là trên 3.300 ha ở huyện Phong Thổ, cây ăn quả ôn đới (Đào, Lê, Mận) 650 ha tập trung tại Tam Đường, Sìn Hồ... tổng diện tích chè hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh 6.996 ha; cây dược liệu là 8.000 ha, một số loại cây dược liệu qúy được người dân bảo tồn, phát triển như Sâm Lai Châu, Đương quy...

Đặc biệt là các sản phẩm chè, không chỉ thơm ngon nức tiếng bởi hương thơm nồng nàn, vị ngọt hậu, nước xanh, mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Với nét riêng ấn tượng đặc biệt đó, sản phẩm chè của Lai Châu cùng những mặt hàng chè của các tỉnh khác, có mặt ở nhiều chợ, siêu thị trong, ngoài nước và được chọn tham gia rất nhiều hội chợ thương mại, nông sản trong, ngoài nước như chè ôlong, chè matcha, sencha, chè cổ thụ...

Không chỉ ấn tượng với các sản phẩm chè, ai đã từng đến Lai Châu thì chắc sẽ không thể quên được mùi thơm đậm đà của các món ăn như thịt lợn gác bếp, món măng đắng, cá suối nướng, xôi tím… hay tham quan một số làng nghề có thương hiệu lâu năm như làng nghề miến dong tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường; làng nghề nấu rượu ở bản Sùng Phài, xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu... sẽ có những kỷ niệm khó quên đối với mảnh đất này. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 làng nghề, trong đó có 3 làng nghề sản xuất miến dong, 1 làng nghề làm bánh dân tộc và 1 làng nghề nấu rượu; các sản phẩm của làng nghề đều có bản sắc riêng do đó thu hút được thị hiếu của người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài tỉnh ưa thích. Các nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm… vẫn được gìn giữ.

Ngoài những lợi thế về tiềm năng của các làng nghề, sự thuận lợi về vị trí, khoảng cách của các làng nghề với các khu du lịch cũng tạo điều kiện tốt cho việc gắn kết sự phát triển du lịch với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu như huyện Tam Đường, nơi được nhiều du khách biết đến với vẻ đẹp của những danh lam thắng cảnh như: Động Tiên Sơn, Thác Tác Tình, Thác Cầu Mây. Thú vị, mạo hiểm hơn là du lịch leo núi thám hiểm đỉnh Pu Ta Leng và ghé thăm các bản du lịch cộng đồng ngắm hoa địa lan; lại có đặc sản miến dong, các sản phẩm chè; các món ăn từ cá lồng, cá nước lạnh tươi ngon hay những quả đào chín mọng, thơm lừng và nhất là được thưởng thức những trái cam chín vàng, mọng nước, ngọt lừ, sạch của xã Bản Giang vào tháng cuối năm...

Hay đến thành phố Lai Châu thăm các mô hình trồng rau thủy canh được sử dụng công nghệ sinh học trong canh tác rau, hoa, trồng cây trong môi trường không sử dụng đất mà dùng giá thể hoặc trồng bằng phương pháp thủy canh, khí canh... Sản phẩm được sản xuất theo các mô hình này đều cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, đặc thù, mới, lạ và an toàn đối với sức khỏe cho người tiêu dùng. Du khách tham quan các mô hình này sẽ được trải nghiệm từ quy trình sản xuất, khâu chăm sóc đến thu hoạch;… khám phá khu quần thể danh lam thắng cảnh Pusamcap nằm trên bản Gia Khâu I, xã Nậm Loỏng. Đặc biệt sẽ mua sắm các đặc sản ngon, tươi sạch do Nhân dân tự sản xuất, chăn nuôi được đem đến bày bán tại chợ phiên San Thàng vào tối thứ 7 và sáng chủ nhật hàng tuần.

 

Du khách tham quan guồng nước bên suối Nậm Mu, xã Bản Bo, huyện Tam Đường.

Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, bộ mặt nông thôn được thay đổi theo hướng xanh, sạch, đẹp... là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với du lịch. Nhiều xã đã được quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ phát triển loại hình du lịch cộng đồng như: Đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường liên bản, điện, nước sinh hoạt; làm nhà vệ sinh… Đồng thời, tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lai Châu - Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Giang - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) và khai thác hiệu quả tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc; phối hợp với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên hình thành tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà. Đặc biệt tỉnh còn liên kết với tỉnh Lào Cai đưa vào khai thác hiệu quả tuyến du lịch xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nối với xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu; liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa huyện Tam Đường (Lai Châu) với huyện Sa Pa, huyện Bắc Hà (Lào Cai); mở rộng liên kết với các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam như: Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... nhằm hỗ trợ quảng bá hình ảnh du lịch Lai Châu tại các điểm cung cấp thông tin và trên Fanpage về du lịch; thu hút được các đơn vị lữ hành như: Saigontourist, Hanoitourist, Vietravel, Sapa GreenTravel, Đường mòn Á Châu, Du lịch Sapa Xanh, Đại Việt... đưa khách du lịch đến Lai Châu.

Với tiềm năng, thế mạnh và sự quan tâm đầu tư của tỉnh đối với Ngành nông nghiệp nói chung và các sản phẩm nông nghiệp mang tính du lịch nói riêng có thể khẳng định đây chính là lợi thế cho các công ty lữ hành du lịch trong tỉnh kết nối tour, tuyến tham quan, vừa giới thiệu được với du khách về những thắng cảnh đẹp, vừa quảng bá những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của địa phương, giúp cho hành trình tham quan thêm phần phong phú, hấp dẫn. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 14,6%/năm và tổng doanh thu từ du lịch đạt 450 tỷ đồng, tăng 18,92% so với cùng kỳ năm trước. 

Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang thâm canh, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho người dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với du lịch; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương hiệu quảng bá. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tập thể; phát triển mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà băng) trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; tập trung xây dựng thương hiệu đối những sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương…

 

Bảo Ngọc/laichau.gov.vn