Lai Châu quyết tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ
- Thứ bảy - 30/03/2019 06:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
2 đề xuất với Tập đoàn Quế Lâm
Ngày 30/3, UBND tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Quế Lâm đã có buổi làm việc để họp bàn về vấn đề hợp tác sản xuất phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBDN tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng: Trong thời gian tới tỉnh Lai Châu xác định nông nghiệp hữu cơ là hướng đi chính trong sản xuất |
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định, trong thời gian tới tỉnh Lai Châu xác định nông nghiệp hữu cơ là hướng đi chính trong sản xuất, tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là hiện nay việc cung ứng phân bón do các công ty, đại lý nhập từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy sản xuất nên nguồn cung ứng còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, thực tế hiện nay việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh của tỉnh này chưa nhiều. Mặc dù có trên 6.000ha chè song mới chỉ có khoảng 1.600ha sử dụng phân hữu cơ và việc sử dụng phân bón hữu mới chỉ đạt khoảng 10.000 tấn, trong khi đó nhu cầu thực tế vào khoảng 80.000 tấn/năm...
Tương tự trên cây lúa, mỗi năm Lai Châu sử dụng khoảng 23 nghìn tấn (3,5 - 4 tấn/ha), nhu cầu thực tế cần hơn 385 nghìn tấn cho 22.700 ha đồng ruộng. Để đáp ứng định mức kinh tế kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ trên địa bàn thì mỗi năm tỉnh Lai Châu cần khoảng 577 nghìn tấn (tương đương khoảng trên 192 nghìn tấn phân vi sinh/năm)...
Tìm hiểu được biết Tập đoàn Quế Lâm là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Lai Châu mong muốn trong thời gian tới sẽ thống nhất được các chương trình hợp tác giữa Tập đoàn và tỉnh để xây dựng Lai Châu trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ phục vụ bà con nông dân, đặc biệt là mục tiêu xây dựng nhà máy phân bón hữu cơ nhằm tận thu các phế phẩm chăn nuôi trên địa bàn...
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế đặc thù của tỉnh, định hướng sản xuất hàng hóa với quy mô tập trung, chất lượng, vì vậy việc đồng nhất về tiêu chuẩn giống, phân bón, tỉnh Lai Châu đề xuất Tập đoàn Quế Lâm xây dựng nhà máy sản xuất phân bón trên địa bàn và đầu tư phát triển và bao tiêu, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ...
Đánh giá cao quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ của lãnh đạo tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm phân tích, trước tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Quế Lâm đã hợp tác rất nhiều tỉnh thành khác ở khu vực miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang...
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam: Hỗ trợ người dân trực tiếp sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh vừa có sản phẩm sử dụng vừa giải quyết được bài toán môi trường |
Hiện Tập đoàn Quế Lâm đã hoàn thiện chuỗi trồng trọt 6 không và chuỗi chăn nuôi lợn không có mùi hôi, không có nước thải, không dịch bệnh... Ngoài ra, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm Biotech công suất 100.000 tấn/năm tại xã Đạo Đức (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) chuẩn bị khánh thành.
Với định hướng chiến lược hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nông dân, Tập đoàn Quế Lâm đã tập trung vào sản xuất phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp và sản xuất, chế biến các loại nông sản hữu cơ. Qua hơn 17 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Quế Lâm trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phân bón hữu cơ trên cả nước, với hệ thống 12 công ty thành viên, trong đó có 7 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đang hoạt động, trải đều trên khắp các vùng, miền trên cả nước (miền Bắc - miền Trung - miền Nam và Tây Nguyên)...
Lai Châu phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ |
“Hiện nay cả nước có khoảng 150 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phân bón hữu cơ với tổng công suất đạt khoảng 1,3 triệu tấn phân hữu cơ công nghiệp một năm. Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam mỗi năm cần đạt sản lượng 3 triệu tấn phân bón hữu cơ được sản xuất công nghiệp. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài vai trò của doanh nghiệp cần có sự tuyên truyền, đồng hành của người dân. Cách thức Quế Lâm thực hiện là tuyên truyền vận động người dân để họ hiểu được lợi ích rồi lúc đó mới triển khai mở rộng. Vì vậy, trong các chương trình hợp tác với các địa phương, chúng tôi luôn tuyên truyền và hỗ trợ người nông dân thực hiện các mô hình sản xuất, hỗ trợ họ trực tiếp sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh để vừa có sản phẩm sử dụng vừa giải quyết được bài toán môi trường”, ông Lam nói.
Theo Hoàng Anh/nongnghiep.vn