Lâm Bình vượt khó trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ bảy - 09/09/2017 21:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn huyện Lâm Bình còn nhiều hạn chế.
Năm 2011, Lâm Bình bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, với xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất kém phát triển; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 7,2 triệu đồng/người/năm, 8/8 xã đều đạt dưới 5 tiêu chí.
Thế mà chỉ sau 6 năm XDNTM, huyện đã đạt được những kết quả khả quan ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về XDNTM đã có chuyển biến rõ rệt, mọi người đều hiểu được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình, từ đó tạo thành phong trào có sức lan tỏa, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đạt trên 14 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm; công tác an sinh xã hội được quan tâm; các công trình giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, cấp nước sinh hoạt được đầu tư nâng cấp, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh.
Đến nay, Lâm Bình có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015; 3 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 4 xã đạt 5 - 9 tiêu chí; không có xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Nhìn chung, việc triển khai XDNTM đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống người dân. Nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện và là định hướng quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhận thức, trách nhiệm của nhân dân được nâng lên, dần xác định được mình là chủ thể chính trong XDNTM nên tự nguyện tham gia các phong trào vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tăng gia sản xuất phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Qua đó, góp phần làm mới bộ mặt nông thôn.
Trong quá trình triển khai, Lâm Bình cũng đã gặp không ít những khó khăn như: việc quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về XDNTM còn hạn chế; nội dung tuyên truyền đến cơ sở chưa toàn diện, nhận thức của nhân dân ở một số nơi về XDNTM chưa đúng... Chưa kể, Lâm Bình là huyện vùng núi, địa hình chia cắt, dân cư phân bố không tập trung, đời sống nhân dân khó khăn nên một số tiêu chí như: tiêu chí số 2 - giao thông; tiêu chí số 3 - thủy lợi; tiêu chí số 6 - cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí số 10 -thu nhập; tiêu chí số 15 - y tế; tiêu chí số 17 - môi trường và an toàn thực phẩm rất thấp so với yêu cầu của bộ tiêu chí.
Việc huy động nguồn lực thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn do ngân sách huyện và xã còn thấp; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư gặp nhiều khó khăn bởi đa phần các xã đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn, dân cư sống không tập trung, địa bàn rộng, thu nhập thấp… Việc triển khai tổ chức thực hiện chương trình ở một số địa phương còn lúng túng, thiếu đồng bộ, một số nội dung bị chậm. Các mô hình sản xuất nông nghiệp mặc dù được quan tâm chỉ đạo xây dựng nhưng chưa được mở rộng, chưa thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của người dân.
Vì vậy, để đạt được những kết quả nêu trên, trong quá trình thực hiện, huyện đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác điều hành, đặc biệt là việc phân công cán bộ các phòng, ban chuyên môn cấp huyện xuống phụ trách các thôn, bản thuộc các xã mục tiêu đạt chuẩn. Qua đó, phối hợp với cấp xã, thôn bản tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, hướng dẫn người dân thực hiện việc chỉnh trang nhà cửa, xây dựng 3 công trình vệ sinh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm…; đồng thời nắm bắt thông tin từ cơ sở, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh. Từ đó, nhận thức của nhân dân từng bước được nâng lên, bà con đồng tình, hưởng ứng tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, kiên cố hóa kênh mương; các cơ quan chuyên môn cấp huyện do có cán bộ phụ trách tại các thôn, bản nên đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp chỉ đạo sát với thực tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, cho biết: Chúng tôi đặt mục tiêu: phấn đấu đến hết năm 2017 có thêm xã Khuôn Hà về đích NTM, năm 2018 là xã Lăng Can, năm 2019 có xã Thổ Bình. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện, duy trì, hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí đã đạt được ở xã Thượng Lâm. Đối với các xã chưa đạt, phấn đấu mỗi năm đạt thêm 1 - 2 tiêu chí; cơ sở hạ tầng không ngừng được hoàn thiện; chất lượng và nội dung các tiêu chí không ngừng được nâng lên. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đạt 26,6 triệu đồng/người.
Theo: Đức Sơn/kinhtenongthon.com.vn