Lâm Đồng: Đưa “hạt ngọc Cát Tiên” lên thành sản phẩm OCOP
- Thứ bảy - 07/12/2019 09:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sản xuất hữu cơ
Những ngày đầu tháng 12, PV đã đến huyện Cát Tiên để tìm hiểu về sản phẩm lúa gạo nhằm tuyên truyền chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại địa phương. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Trần Quang Trừng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cát Tiên cho biết, mỗi năm địa phương có diện tích canh tác lúa trên 9.000ha, tuy nhiên, diện tích sản xuất lúa hữu cơ mang thương hiệu “hạt ngọc Cát Tiên” chỉ có khoảng 145ha trong năm 2019 với sản lượng khoảng 6 tấn/ha. Thế nhưng, ông Trừng khẳng định, trong thời gian tới sản lượng sẽ tiếp tục tăng lên từ 6,2 – 6,5 tấn/ha.
Chuyên gia người Anh cùng thành viên của trường Đại học Nông lâm TP. HCM tham vấn mô hình lúa hữu cơ tại Cát Tiên.
Được biết, năm 2011, huyện Cát Tiên đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu “Lúa - gạo Cát Tiên” với lô gô có hình bông lúa lồng vào hai chữ Cát Tiên viết tắt và hình ảnh dòng sông Đồng Nai bù đắp phù sa màu mỡ. Đối với sản phẩm gạo mang tên “Hạt ngọc Cát Tiên” được sản xuất từ giống lúa RVT nên có sự nổi trội hơn hẳn giống lúa khác, hạt gạo dài, màu trong, khi nấu chín cho cơm dẻo, có vị thơm ngon đặc trưng, không bị khô cứng khi để nguội.
Ông Trừng cũng cho biết, sản phẩm “hạt ngọc Cát Tiên” được sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng phân sinh học. “Vừa qua, có một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến làm việc với huyện nhằm thực hiện khảo sát đối với 3 mô hình lúa hữu cơ, sử dụng toàn bộ công nghệ, kỹ thuật, phân bón, thuốc của họ, giống của địa phương để sản xuất. Sau 3 năm sẽ cho năng suất cao lên nhiều so với hiện tại. Nếu thực hiện thành công sẽ chuyển giao toàn bộ lại cho huyện để tiến hành nhân rộng trên địa bàn huyện. Hiện nay, ý thức về nông nghiệp sạch của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thấy được lợi ích từ việc sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao nên diện tích và sản lượng tại địa phương vẫn còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ cả đầu ra và đầu vào trong sản xuất lúa gạo hữu cơ tại huyện Cát Tiên”, ông Trần Quang Trừng cho biết.
3 sao cho điều và gạo
Nói về việc thực hiện chương trình OCOP tại địa phương, ông Trừng thông tin, hiện nay, hai sản phẩm đặc trưng của huyện đang hoàn tất hồ sơ để trình Hội đồng OCOP cấp tỉnh là hạt điều và gạo. Vừa qua, địa phương đã đánh giá sơ bộ, hai sản phẩm này đều đạt 3 sao, trong năm 2020 sẽ tiếp tục nâng cấp sao cho gạo và điều.
Tuy nhiên, ông Trừng cũng cho biết, chương trình Mỗi xã một sản phẩm là chương trình mới nên việc triển khai thực hiện tại địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Người dân vẫn chưa nhận thấy được lợi ích rõ ràng trong việc tham gia chương trình. Chính vì vậy, hiện nay huyện vẫn đang tiếp tục tuyên truyền, thông tin đến cho người dân và các chủ thể. Bên cạnh đó, một số tiêu chí đánh giá vẫn còn hạn chế, điều kiện cơ sở hạ tầng tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn huyện khoảng 145ha, sản lượng khoảng 6 tấn/ha, chủ yếu tập trung tại xã Gia Viễn và thị trấn Cát Tiên. Bên cạnh đó, với diện tích hơn 6.500ha điều, năng suất bình quân đạt 4,15 tạ/ha huyện Cát Tiên đang tiếp tục thực hiện các biện pháp khôi phục sản xuất cây điều, lồng ghép các nguồn lực để chuyển đổi, tái canh cây điều. Bên cạnh đó, rà soát, theo dõi bình tuyển chọn lọc các giống điều tại địa phương có ưu thế vượt trội về năng suất và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đề nghị công nhận cây đầu dòng để khai thác nguồn chồi ghép nhân giống phục vụ chuyển đổi tái canh cây điều trên địa bàn.
Theo Văn Long/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây