Lâm Đồng: Tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất nông nghiệp

Trong những năm qua, Lâm Đồng tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 54.477 ha, chiếm 19,5% diện tích canh tác (mục tiêu đến năm 2020 là 20%). Trong đó, diện tích trồng hoa các loại như hoa cúc, hồng, lay ơn, lily đạt gần 9.000 ha, riêng hoa cúc chiếm hơn 37% và là loại hoa cần nhiều điện năng chiếu sáng.
Hệ thống đèn Led chiếu sáng tại vườn hoa cúc tại Đà Lạt

Đến nay, người nông dân Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; trong đó có các giải pháp canh tác cần sử dụng nhiều điện năng như chiếu sáng, tưới nước, nhân giống, điều chỉnh môi trường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, từ đó đời sống ổn định, phát triển. Tuy nhiên, hiện nay thực tế sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế; cùng một lúc nông dân gặp phải ba vấn đề, điển hình là nguồn giống cây trồng chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến gây thiệt hại lớn cho nông dân sau khi gieo trồng (hoa cúc, cà chua bị nhiễm virus chết hàng loạt...), giá một số nông sản thấp hơn năm 2018, người nông dân chưa tiếp cận được những chương trình hỗ trợ trong cung ứng điện của ngành điện, cũng như các mô hình tiết kiệm năng lượng điện chưa được nghiên cứu, đầu tư mang tính chuyên sâu để hỗ trợ nông dân tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành... Vì vậy khi giá điện tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trồng trọt, sản suất của nông dân.

Do đó, để giải quyết những khó khăn và hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngày 06/6/2019, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với Công ty Điện lực Lâm Đồng về giá điện và giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tập trung các giải pháp tiết kiệm điện. Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng cần Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống; khuyến cáo người dân khi mua giống mới phải biết rõ nguồn gốc, tại các cơ sở đã được cơ quan chức năng công nhận; tuyệt đối không nhân giống từ cây thương mại và đưa ra thị trường những cây giống đã bị nhiễm vi rút, nhiễm bệnh... Thực hiện mô hình khuyến nông trong đó tập trung vào tiết kiệm năng lượng điện. Tăng cường liên kết sản xuất để tiêu thụ nông sản, thay đổi mô hình sản xuất phù hợp để tiết kiệm năng lượng điện…

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đang khẩn trương tiến hành xây dựng quy trình và triển khai thực hiện các mô hình áp dụng tiết kiệm điện trên các loại cây trồng, đặc biệt chú trọng trên cây hoa cúc để có cơ sở khoa học và thực tiễn, nhằm đưa ra giải pháp tiết kiệm năng lượng điện hợp lý, hiệu quả nhất trên cây trồng, từ đó góp phần nâng cao giá trị nông sản, giảm chi phí đầu tư cho nông dân trong thời gian tới./.

theo Văn Thọ/https://www.mard.gov.vn