Làm gì để dòng vốn đi vào sản xuất?

Tính đến hết tháng 9-2014, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt xấp xỉ 7%, mới được nửa chặng đường so với chỉ tiêu đặt ra trong năm 2014 là 12% - 14%. Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho rằng nhu cầu vốn trong những tháng cuối năm sẽ tăng cao nên có khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng. Thực tế cho thấy, dòng tiền ngân hàng vẫn đang nghiêng về trái phiếu, đầu tư hạ tầng và DN nhà nước... - See more at: http://sggp.org.vn/kinhte/2014/10/363362/#sthash.bKL19kO4.dpuf

Khó đẩy mạnh giải ngân

Hiện nay, một số tổ chức tín dụng đã căn bản chốt xong số liệu kinh doanh quý 3-2014 và 9 tháng qua. Bên cạnh những ngân hàng thương mại (NHTM) có tăng trưởng tín dụng dương, trong đó có một số ngân hàng (NH) có tốc độ tăng trưởng cao như NH Nam Á (đạt khoảng gần 30%), NH Bản Việt (đạt xấp xỉ 20%)… thì vẫn còn không ít các NH, đặc biệt là các NH trung và lớn vẫn còn trong tình trạng tăng trưởng ì ạch. Nhiều NH qua hết quý 2-2014 vẫn chưa thoát âm tăng trưởng như Eximbank, DongA Bank, VietA Bank… 

Từ quý 3-2014, hàng loạt các gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho DN đã được các NHTM đưa ra với lãi suất dưới 10%/năm, trong đó có nhiều gói lãi suất ở mức 6% - 7%/năm. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các gói này vẫn không đáng kể.

Với nghi vấn những gói tín dụng ưu đãi phải chăng chỉ là “chiêu trò” quảng cáo của các ngân hàng, Phó Giám đốc NHNN TPHCM Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, những gói tín dụng NH đưa ra có thực, tuy nhiên việc giải ngân của các gói này vẫn không như kỳ vọng vì khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, bên cạnh đó, các DN không có phương án kinh doanh tốt nên cũng khó tiếp cận được các nguồn vốn này.

Ông Minh cũng cho biết, ngay cả gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ mua nhà ở hiện nay vẫn trong tình trạng khó giải ngân. Sau 2 năm triển khai, tỷ lệ khách hàng được vay vẫn còn rất khiêm tốn. Trong tổng số 1.248 tỷ đồng được các NH cam kết cho vay từ chương trình này, chỉ mới giải ngân khoảng 600 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng có gói cho vay hỗ trợ DN nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm. Ảnh: HUY ANH

Là NH liên tục đưa ra các gói lãi suất ưu đãi cho DN thời gian qua, lãnh đạo ngân hàng HDBank cho biết, mặc dù rất muốn đẩy nguồn vốn ra thị trường nhưng nhiều DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn vì chưa đáp ứng được những tiêu chí mà NH đề ra. “Nhiều DN có ý tưởng kinh doanh khá tốt nhưng việc biến ý tưởng đó thành kế hoạch, dự án cụ thể lại rất hạn chế. Bên cạnh đó, các DN cũng chưa chứng minh được các nguồn thu nhập để trả nợ nên khó thuyết phục ngân hàng cho vay” - vị này cho hay.

Rào cản nợ xấu

Lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank cho biết, đến hết tháng 8-2014, tăng trưởng tín dụng Vietinbank đạt khoảng 6%, tuy nhiên, dòng vốn này chủ yếu chảy vào trái phiếu, tín phiếu, còn đi vào kinh doanh khá hạn chế. Theo ông, “có nhiều nguyên nhân dẫn đến tín dụng tăng trưởng thấp nhưng cơ bản nhất là “sức khỏe” của DN còn hạn chế và là rào cản về nợ xấu”.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN không còn tài sản thế chấp, vừa qua, NHNN đã yêu cầu các NHMT tăng cường cho vay tín chấp. Về thực hiện chủ trương này trên địa bàn TPHCM, hiện các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP đang xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin, đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Tuy nhiên, các NHTM vẫn còn dè dặt trong cho vay tín chấp vì sợ rủi ro. 

Thực tế, nhiều ngân hàng cho biết trong bối cảnh nợ xấu và đặc biệt là nợ ở nhóm có nguy cơ mất vốn có xu hướng tăng cao, các NHTM triển khai cho vay tín chấp theo chủ trương nhưng chỉ ưu tiên cho khách hàng cũ, những khách hàng có lịch sử tín dụng lành mạnh hoặc chỉ chọn lọc những khách hàng có “sức khỏe” tốt, dự án kinh doanh khả thi chứ không kỳ vọng dư nợ tín chấp tăng mạnh vì sợ phát sinh nợ xấu.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, để dòng vốn chảy vào sản xuất mạnh hơn trong những tháng cuối năm, NHNN và các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, làm sao kích hoạt mạnh hơn hoạt động sản xuất tại khu vực tư nhân. Có thể thấy, rào cản lớn nhất với DN tư nhân khi tiếp cận tín dụng là nợ xấu, do đó, nếu tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay, thì tín dụng rất khó xoay chuyển.

Vẫn còn dư địa giảm lãi suất cho vay

Theo NHNN, hiện nay lãi suất không phải là cản ngại của DN khi tiếp cận vốn ngân hàng, vì mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh (bằng mức của năm 2006 trở về trước) và vẫn còn có chiều hướng tiếp tục giảm. Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: So với mục tiêu ban đầu đặt ra trong năm 2014 là làm sao cho lãi suất, kể cả huy động lẫn cho vay, tiếp tục giảm khoảng từ 1% đến 2% thì đến tháng 9-2014 đã hoàn toàn đạt được điều đó. 

Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, mặc dù lãi suất của ngân hàng đã giảm nhiều so với trước đây nhưng hiện mới giải quyết vốn tín dụng ngắn hạn cho DN, còn vốn tín dụng trung và dài hạn vẫn còn khá cao.

Giao dịch tại Ngân hàng Eximbank. Ảnh: Cao Thăng.

Theo TS Trần Du Lịch, hiện có khoảng 30% - 40% DN hoạt động kinh doanh hiệu quả, có tài chính tốt nhưng với mức lãi suất trung và dài hạn trên 10%/năm trong điều kiện lạm phát quanh mức 5% như hiện nay sẽ không kích thích DN vay để mở rộng sản xuất kinh doanh. “Để dòng vốn đi vào sản xuất kinh doanh thì các ngân hàng nên hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn vì dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Với các DN đang làm ăn tốt, vay để mở rộng sản xuất kinh doanh thì không sợ bị nợ xấu” - TS Trần Du Lịch nói.

Theo TS Trần Du Lịch, NHNN hiện có đủ công cụ để thực hiện việc này thông qua việc giảm lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn cho các NHTM, từ đó các NHTM có cơ sở giảm lãi suất cho DN. Nếu NHNN sẵn sàng tái cấp vốn lại cho NHTM đối với những khoản vay này ở mức 5%/năm thì NHTM sẽ sẵn sàng công bố lãi suất cho vay các DN này ở mức 7%/năm.

Phó Giám đốc NHNN TPHCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, với tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP hiện nay cộng với nhu cầu vốn trong quý cuối năm luôn tăng cao, tín dụng tại TPHCM có cơ sở đạt 10% - 12% trong năm 2014. Để đạt được mức tăng trưởng này, từ nay đến cuối năm, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ phối hợp với UBND các quận-huyện tăng cường thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm đạt chỉ tiêu mà UBND TPHCM giao là giải ngân 30.000 tỷ đồng trong năm 2014. Ngoài ra, NHNN TPHCM cũng đã yêu cầu các NHTM trên địa bàn tăng cường vốn, chuẩn bị nguồn tiền, kênh phân phối, dịch vụ hỗ trợ để giúp các DN phục vụ cho mùa sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm, đặc biệt là chuẩn bị nguồn hàng lớn cho dịp tết.

HẠNH NHUNG
theo sggp

 

- See more at: http://sggp.org.vn/kinhte/2014/10/363362/#sthash.bKL19kO4.dpuf