Làm giàu ở nông thôn: Thu ngót 1 tỷ/năm từ 1ha cam VietGAP
- Thứ ba - 03/10/2017 20:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Bén duyên” với cây cam
Trước khi “bén duyên” với cây cam, ông Nguyễn Văn Ngân từng lao đao, lận đận với nhiều loại cây trồng khác như mận, ngô, xoài...Ông ngân kể, năm 1990, ông đầu tư trồng 1ha mận. 4 năm sau, khi cây mận cho thu quả thì lại gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ, giá bán thấp, có thời điểm rẻ quá nhà ông chả buồn hái. Bực cả mình, ông Ngân “bấm bụng” chặt bỏ cả 1ha mận trước sự tiếc nuối của cả gia đình và hàng xóm...
“Khác với các loại cây ăn quả trồng những năm trước, lần này tôi có niềm tin mãnh liệt đối với cây cam. Tôi tin rằng vào một ngày không xa, cây cam sẽ mang lại cuộc sống sung túc cho gia đình. Ngày ngày tôi cùng vợ chăm chẵm vườn cam như chăm con mọn. Không phụ công người chăm bẵm, vườn cam lớn lên từng ngày, đến năm thứ 3 đã cho lứa bói...” – ông Ngân vui vẻ kể.
“Bao nhiêu công sức, tiền của dồn vào trồng mận, rồi lại phải chặt bỏ, nghĩ cũng tiếc. Bỏ mận, tôi chuyển sang trồng giống xoài lùn Mộc Châu. Thật xót xa, sau 4 năm chăm bẵm, tôi lại phải chặt cả vườn xoài vì quả nào, quả nấy cũng nứt toác “bán rẻ như cho”. Nghĩ mình không có duyên với cây ăn quả, tôi quay về với cây ngô... ” – ông Ngân thở dài, nhớ lại.
Ông Ngân thường xuyên có mặt ở vườn cam để phát hiện kịp thời những biểu hiện có hại cho cây trồng
Năm 2011, ông Ngân về thăm quê nhà ở xã Mễ Sở (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Thấy nhiều người dân nơi đây khá giả lên nhờ trồng cam, nghĩ đồng đất nhà mình cũng phù hợp nên ông lân la học hỏi cách trồng. Sau đó, ông quyết định mua giống cam (mắt ghép) về trồng trên diện tích 1ha đất đồi của gia đình.
Phải trồng ra hoa quả an toàn
Theo ông Ngân, những năm đầu, người trồng cam khá vất vả trong khâu làm cỏ. Vì cây cam còn nhỏ nên không thể dùng máy cắt mà hoàn toàn phải làm bằng tay. “Năm đầu trồng cam, do thiếu hiểu biết nên tôi mua thuốc diệt cỏ về phun. Sau đó, tôi nghĩ nếu mình cứ sử dụng thuốc trừ cỏ thế này thì mọi người trong nhà mình sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe trước. Vì vậy, từ năm thứ 2 trở đi, tôi không sử dụng thuốc diệt cỏ nữa mà 2 vợ chồng cặm cụi nhổ cỏ thủ công mỗi ngày...” – ông Ngân chia sẻ.
Để xây dựng vùng cam chất lượng cao, tiện cho việc xây dựng thương hiệu tập thể, ông Ngân đăng ký trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời vận động một số hộ trồng cam ở bản Văn Yên làm theo. Ông đứng ra thành lập Hợp tác xã trồng cam Văn Yên, do ông làm Giám đốc với 7 thành viên tham gia.
Bện cạnh đó, ông Ngân cũng tuân thủ nghiêm quy trình bón phân, đảm bảo đúng chủng loại, liều lượng và thời gian. Ông không bón cam bằng phân hóa hóa học mà sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ. Đối với thuốc bảo vệ thực vật cũng vậy, ông chỉ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ sâu bệnh trên cây cam...
“Người tiêu dùng bây giờ rất khó tính, nếu sản phẩm không an toàn là bị “bỏ rơi” ngay. Vì thế tôi nghĩ không trồng thì thôi, đã trồng thì phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cam an toàn. Nhờ đó, khi vào vụ, lượng cam của gia đình thu tới đâu được thương lái mua hết đến đó. Nhiều khi còn không đủ hàng cung cấp cho các tiểu thương...” – ông Ngân không giấu vẻ tự hào.
Năm 2016, từ trồng 1 ha cam đường và cam vinh, ông Nguyễn Văn Ngân thu gần 30 tấn cam, bán cho thương lái với giá bình quân 30.000 đồng/kg, ông thu gần 1 tỷ đồng.
Ông Ngân cho hay: Cuối năm 2016, HTX trồng cam Văn Yên được cấp giấy chứng nhận trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Các thành viên ai cũng phấn khởi bởi sản phẩm do mình làm ra đã có chỗ đứng trên thị trường...
“Trồng cam cho giá trị kinh tế cao gấp 10 lần trồng ngô. Nhờ trồng cam mà gia đình tôi có điều kiện xây dựng nhà 3 tầng khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền...Nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, năng suất cam có thể đạt tới 35 tấn/ha. Như vậy, người dân hoàn toàn có thể làm giàu được từ trồng cam...” – ông Nguyễn Văn Ngân. |