Làm giàu từ nuôi dê thương phẩm

Làm giàu từ nuôi dê thương phẩm
Để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Khánh Thiện (Lục Yên - Yên Bái) đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi dê, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình là ông Hoàng Văn Sùng ở thôn Co.
tr4d.jpg
Đàn dê của ông Hoàng Văn Sùng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thu hàng chục triệu đồng từ nuôi dê thịt

Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Sùng khi ông đang chăm sóc đàn dê của gia đình. Ông Sùng cho biết: Trong nhiều năm, ông thực hiện mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung, tuy nhiên cũng chỉ đầu tư những con giống truyền thống như gà, lợn, vịt, nhím… Từ năm 2012, ông quyết định đầu tư vào nuôi dê. Để biết chắc dê có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Sùng tự tìm đến các mô hình nuôi dê sẵn có trong và ngoài tỉnh tìm hiểu, học tập.

 Qua nhiều chuyến đi, tích góp mỗi nơi một ít kinh nghiệm đã giúp cho ông có được vốn kiến thức kha khá, đủ để xây dựng mô hình cho gia đình. Tìm hiểu thêm trên báo chí, inernet, ông  mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ và mua dê về nuôi.

Nhờ chăm chỉ, chịu khó mà đàn dê của gia đình dần tăng lên, đến nay ông Sùng sở hữu gần 30 con, thời điểm cao nhất là gần 50 con. Mỗi năm ông xuất bán hai đợt dê thịt, bình quân thu về 50-60 triệu đồng. 

Sẽ nhân rộng mô hình
Tham quan chuồng dê của gia đình ông Sùng, chúng tôi mới thấy hết tâm huyết của người nông dân này. Khi được hỏi về kinh nghiệm, ông Sùng cho biết: “Nuôi dê không khó nhưng đòi hỏi đức tính cẩn thận khi chăm sóc, xây dựng chuồng trại bằng tre hoặc gỗ, đảm bảo chuồng thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa. Mỗi gian chuồng cao khoảng 1m, rộng 1,2m và dài 1,3m ; sàn chuồng cách mặt đất 0,5 - 0,8m, làm bằng gỗ bằng phẳng, để khe hở khoảng 1 đến 1,5 cm để phân lọt xuống đất. Mỗi chuồng như vậy nuôi 2 - 3 con dê thịt. Nhằm tạo điều kiện cho đàn dê phát triển khỏe mạnh, việc cần thiết là tạo không gian chăn thả với diện tích bằng 3 lần diện tích chuồng trại, trồng cây tạo bóng mát xung quanh”.

Khí hậu vùng đất này rất hợp với chăn nuôi dê. Dê ít bị dịch bệnh như những loại gia súc khác, lại là loài động vật ăn tạp, hầu như tất cả các loại lá cây đều có thể là thức ăn của chúng. Dê cũng có sức đề kháng cao, chịu khó tự kiếm ăn nên phù hợp với chăn thả gia đình. Có thể bổ sung  thức ăn tinh từ sản phẩm nông nghiệp như ngô... Gia đình ông nuôi dê bán lấy thịt cung cấp cho thương lái nên thu nhập khá ổn định.

Theo ông  Sùng, chọn giống dê cái phải có ngoại hình đẹp, mình nở rộng, ngực sâu, thân hình cân đối khỏe mạnh, da mềm, lông bóng. Chọn con đực có ngoại hình đẹp, đầu cổ kết hợp hài hòa, thân mình cân đối khỏe mạnh, 4 chân vững chắc, hai dịch hoàn to đều, dáng nhanh nhẹn, tính hăng tốt…

Đánh giá về mô hình, ông Hoàng Văn Dưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thiện, khẳng định: “ Trong phát triển chăn nuôi dê, ông Sùng là nông dân đi đầu trong xã và thành công với mô hình này. Chúng tôi thường xuyên cho hội viên, nông dân tham quan, học tập mô hình của gia đình ông để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư không lớn, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình, địa phương đang chỉ đạo nhân rộng.

Theo Khắc Điệp/kinhtenongthon.vn