Làm giàu từ trang trại

Làm giàu từ trang trại
Sinh ra trong một gia đình đông con tại miền quê nghèo của huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, anh Ngô Đức Thắng, ở thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão đã thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của cha mẹ cùng những người nông dân trong xã, khi quanh năm suốt tháng chỉ biết đến hai vụ lúa một năm và chăn nuôi nhỏ lẻ.

Anh Ngô Đức Thắng kiểm tra chất lượng vịt trước khi xuất chuồng.

Sau khi rời ghế nhà trường anh chịu khó tham gia lao động, giúp đỡ gia đình và bước ngoặt cuộc đời đến với anh sau khi xây dựng gia đình năm 1995. Anh Thắng cho biết: “Gia đình hai bên đều khó khăn, cho nên vợ chồng tôi phải tự túc hoàn toàn. Là trụ cột trong gia đình nhỏ, tôi luôn trăn trở và suy nghĩ làm thế nào để thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương”.

Được sự khuyến khích của các cấp chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã về chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2002, sau khi tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của một số hộ ở các tỉnh lân cận, anh mạnh dạn dồn toàn bộ diện tích vào cánh đồng trũng nhất của làng Cốc Khê, đồng thời vay mượn thêm từ người thân và Ngân hàng chính sách xã hội để mua thêm diện tích của một số hộ cấy lúa không hiệu quả. Có đất, anh Thắng gửi đơn xin phép chính quyền chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng lúa sang trồng cây, đào ao thả cá và xây dựng trang trại với tổng diện tích là 6.840 m2.

Mạnh dạn làm ăn, tích cực học hỏi kinh nghiệm, gia đình anh Thắng đã thu được những kết quả đáng mừng. Năm 2007, trang trại gia đình anh đã bước đầu thu lãi, có uy tín với người dân. Sau khi trả được số tiền vay ngân hàng, người thân, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, thuê thêm ba mẫu ruộng, nuôi thêm 3.000 con vịt đẻ, đầu tư thêm mười máy ấp trứng. Để tận dụng công suất của máy ấp trứng, anh nhận thêm trứng của các hộ nuôi vịt đẻ khác trong xã và thuê thêm năm người làm, với mức lương từ ba đến bốn triệu đồng/người/tháng. Vịt nở đến đâu, anh thuê người chở đến các đại lý nuôi vịt ở các tỉnh miền bắc tiêu thụ đến đấy. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, anh Thắng xây dựng ba hầm bi-ô-ga có dung tích 13 m3 để lấy khí ấp trứng, chạy máy phát điện, phục vụ đun nấu và sinh hoạt gia đình.

Có được thành quả như ngày hôm nay, phải kể đến sự động viên, giúp đỡ tích cực của Hội Nông dân xã khi cử anh đi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; cách chọn, trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả. Anh Thắng bộc bạch: “Nhiều lúc giá cả đầu ra thất thường, song, tôi luôn học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhất vào chăn nuôi, vì vậy không năm nào gia đình tôi làm ăn thua lỗ”. Sản xuất và kinh doanh có lãi, gia đình anh Thắng lại tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại, thuê thêm ruộng. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi của gia đình anh Thắng là 7,4 ha. Từ những mảnh ruộng manh mún, anh đã tích tụ dồn đổi thành những ô thửa lớn, thuận tiện cho việc cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào thâm canh sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với 7.000 con vịt đẻ, năm mẫu ao thả cá và 12 mẫu đất trồng cây ăn quả hằng năm như: bưởi Diễn, cam Vinh, na, mít..., tổng thu nhập hằng năm của gia đình anh Thắng luôn cao hơn so với năm trước. Nếu như năm 2012, tổng thu nhập mới đạt hai tỷ đồng, thì năm 2015 đã đạt 4,2 tỷ đồng và năm 2016 đạt năm tỷ đồng.

Với mô hình kinh tế sản xuất kinh doanh hiện nay, gia đình anh Thắng trở thành hộ khá giả; hằng năm tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập trung bình từ bốn đến năm triệu đồng/người/tháng; có lao động thu nhập đến 12 triệu đồng/ tháng. Năm 2010, Hội Nông dân xã vận động thành lập Chi hội trang trại xã Phạm Ngũ Lão để phát triển kinh tế gia đình, anh Thắng được bầu làm chi hội trưởng. Hằng năm, gia đình anh Thắng giúp đỡ 40 hộ nghèo, khó khăn về khoa học kỹ thuật, nhất là trong xây dựng bể sử dụng khí bi-ô-ga hợp vệ sinh, kinh nghiệm sản xuất; đầu tư con giống cho 12 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong đó có năm hộ đã thoát nghèo; toàn bộ sản phẩm đầu ra của các hội viên đều được anh bao tiêu.

Ngoài sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Thắng còn là người gương mẫu trong các phong trào của địa phương, tuyên truyền vận động người dân trong thôn thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới” do Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Với những thành tích trong lao động, sản xuất, anh Thắng vinh dự được vinh danh tại Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 5 (giai đoạn 2012 - 2017) do T.Ư Hội Nông dân tổ chức.

Theo: Trịnh Sơn/nhandan.com.vn