Làm giàu từ trồng cây dược liệu
- Thứ năm - 08/11/2018 07:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mấy năm nay, cuộc sống của người dân xã Trà Linh, huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam khấm khá hơn rất nhiều nhờ trồng Sâm Ngọc Linh. Giá bán loại sâm này ngày càng tăng cao. Giấc mơ thoát nghèo và làm giàu của nhiều bà con ở xã Trà Linh dần trở thành hiện thực.
Ông Hồ Văn Thế, một người trồng sâm hơn 10 năm ở xã Trà Linh cho biết, nhờ trồng Sâm Ngọc Linh mà người dân trong xã đều có cuộc sống ổn định: “Cây Sâm Ngọc Linh cũng là cây mang lại kinh tế cao đối với bà con trên địa bàn xã Trà Linh. Hiện nay, theo rà soát các hộ nghèo thì mỗi nhà cũng có ti vi, có xe máy để thuận tiện việc đi lại”.
Không chỉ có Sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam còn có rất nhiều loại cây dược liệu khác như: Quế Trà My, Đẳng sâm, Ba kích, Đinh lăng, Giảo cổ lam… Các loại cây dược liệu này phân bổ tại các xã ở huyện miền núi Phước Sơn. Huyện Phước Sơn đã xây dựng vườn ươm cây dược liệu tại khu vực rừng 48 thuộc xã Phước Chánh với diện tích hơn 5 hecta. Ngoài việc ươm trồng 3 loại cây dược liệu chính là Đẳng sâm, Sâm Ba kích, Sa nhân, vườn ươm sẽ ươm thử nghiệm các cây dược liệu sẵn có trên địa bàn như Sâm cau, Sâm dây, Sâm 7 lá để cung cấp nguồn giống cho người dân.
Theo ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, cây dược liệu trên địa bàn huyện chủ yếu mọc tự nhiên và nhân dân trồng phân tán, địa phương đã kêu gọi 3 doanh nghiệp cam kết thu mua nguồn dược liệu trong dân.
“Huyện đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực dược liệu, trồng Sâm Ngọc Linh. Hiện có 3 doanh nghiệp đăng ký và đang triển khai thực hiện. Mục tiêu của huyện là theo cơ cấu cây trồng của tỉnh, Phước Sơn sẽ được phát triển cây Ba kích, cây Sâm nhân tím. Huyện cũng đang dồn các nguồn lực từ Chương trình 30a, Chương trình 135 tập trung mua cây giống hỗ trợ nhân dân để nhân dân trồng. Riêng năm 2018 sẽ trồng 29 hecta theo nguồn vốn đó”, ông Quảng cho biết.
Giá trị về kinh tế của sâm Ngọc Linh rất cao, đem lại cơ hội thoát nghèo cho bà con vùng cao Quảng Nam |
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh, phát triển cây dược liệu là một trong những mũi nhọn tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, các sản phẩm dược liệu ở Quảng Nam chỉ dùng để bồi bổ cơ thể con người, chưa bào chế thành thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp. Vì vậy, các bộ, ngành cùng các doanh nghiệp nên vào cuộc giúp địa phương xây dựng các nhà máy chế biến dược liệu theo quy trình công nghệ cao.
Ông Trương Quốc Cường khẳng định, cây dược liệu trở thành cây trồng chủ đạo sẽ góp phần giúp người dân miền núi Quảng Nam xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.
“Có những sản phẩm đặc thù thì chúng ta mới bán được. Ngành Y tế có thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Đó là những lĩnh vực tạo đầu ra quan trọng. Trước mắt, chúng tôi phối hợp với các Bộ đưa ra những sản phẩm có chất lượng trên thị trường đẻ giúp bà con tiêu thụ đầu ra”, ông Cường cho hay./.
https://vov.vn