Làm hạ tầng dẫn tín dụng vào nông nghiệp

Để chính sách tín dụng nông nghiệp có hiệu quả, cơ chế đầu tư hạ tầng các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao cần được triển khai một cách thực chất và cụ thể.

Bán dự án vì kiệt vốn

Cách đây không lâu, CTCP Thương mại và sản xuất Viễn Phú (Cà Mau) đã phải nhắm mắt rao bán 320 ha đất và dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ mà đơn vị này đã mất 15 năm dày công gây dựng. Ông Võ Minh Khải - Giám đốc Viễn Phú thời điểm đó cho biết, việc rao bán dự án phát triển thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa là một việc làm “đứt ruột” mà DN của ông không còn cách nào khác để cứu vãn. Bởi việc phải đầu tư quá nhiều vào xây dựng hạ tầng như cải tạo đất, làm đường, làm hệ thống thủy lợi… đã khiến DN của ông tiêu tốn gần 70 tỷ đồng và không còn khả năng huy động thêm vốn để phát triển dự án.

Những trường hợp buộc phải bán đứt dự án khởi nghiệp nông nghiệp như câu chuyện của Công ty Viễn Phú không phải là hiếm gặp. Bởi thực tế hiện nay, việc đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc nông nghiệp hữu cơ luôn đòi hỏi chi phí ban đầu khá lớn cho các hạng mục hạ tầng mà nhiều khi năng lực của DN không “kham” nổi.

Chẳng hạn, để đầu tư dự án khu nông nghiệp công nghệ cao Q-Farm tại Cẩm Mỹ (Đồng Nai), CTCP Đầu tư và Thương mại quốc tế Sài Gòn đã phải dự toán phần chi phí dành cho các hạng mục hạ tầng như hệ thống cấp nước, cấp điện, hệ thống đường và kênh mương thủy lợi lên tới hơn 30 tỷ đồng trong đó, 22 tỷ đồng phải vay từ các NHTM. Các dự án nuôi tôm trong nhà kính tại Bạc Liêu và Cà Mau hiện nay mỗi năm cũng phải chi ra hàng chục tỷ đồng để cải tạo hệ thống kênh mương nội đồng do phù sa bồi lắng. Phần chi phí cho các hạng mục này buộc DN phải cân đối vào chi phí sản xuất, trong khi không tạo ra tài sản cố định để có thể cầm cố, thế chấp khi huy động vốn.

Những thống kê của Viện chính sách Chiến lược phát triển nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy, việc các địa phương chậm đầu tư các hạng mục hạ tầng cơ sở và hạ tầng thương mại ở các khu vực nông thôn là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao kém hấp dẫn.

Tính đến thời điểm cuối năm ngoái, hệ thống chợ truyền thống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ ở mức hơn 1.600 chợ và gần 100 siêu thị. Đây là con số khá thấp để các DN đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển kênh phân phối sản phẩm. Trong khi đó hệ thống kho vận, logistics của cả nước đến thời điểm hiện nay mới chỉ có khoảng 50 trung tâm. Điều này khiến cho chi phí bảo quản và vận chuyển nông sản luôn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm của các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Các DN đầu tư vào hạ tầng khu nông nghiệp thường e ngại tính hiệu quả

Kỳ vọng “ông lớn” hợp tác công – tư

Tính đến thời điểm hiện nay, ngoài chính sách ưu đãi về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng ở các khu, vùng nông nghiệp. Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 từ nhiều năm trước cũng đã dành mức ưu đãi cao nhất cho các DN đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, vùng nông nghiệp. Hay như việc ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn mới đây, Chính phủ đã chính thức mở nhiều điều kiện để các NHTM tăng cường cho vay đối với các DN, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, thực tế ở các địa phương khu vực phía Nam các chính sách ưu đãi về tài chính cho nhóm DN phát triển hạ tầng các khu vùng nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Chẳng hạn, tại TP.HCM, tính đến thời điểm hiện tại mặc dù địa phương đã quyết định đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất cho Khu Nông nghiệp Công nghệ cao hiện hữu tại huyện Củ Chi. Tuy nhiên, phần vốn này chưa được giải ngân trên thực tế. Các DN đầu tư vào hạ tầng khu nông nghiệp e ngại về hiệu quả của các dự án nên có rất ít đơn vị tham gia. Phần vốn còn lại để hoàn thiện hạ tầng hầu hết đều phải trông chờ vào chính các nhà đầu tư thứ cấp.

Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, việc khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn mặc dù đã được thực hiện liên tục trong nhiều năm, nhưng các chính sách ưu đãi đến được tay DN không đáng kể. Hiện nay, Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 – 2020 cần khoảng gần 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên phần vốn ngân sách chỉ có thể đáp ứng khoảng 2/3, số còn lại phải trông chờ vào các DN, tập đoàn lớn như Vingroup, Hòa Phát, TH, Thành Thành Công, Nestle…

Ở góc độ ngân hàng, Giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM cho rằng, hiện nay có khá nhiều dự án khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đặt vấn đề vay vốn. Tuy nhiên, cửa tiếp cận vốn của các dự án khởi nghiệp lĩnh vực này là khá hẹp do chi phí đầu tư luôn quá lớn so với các tài sản có thể thế chấp.

Theo thống kê của NHNN, tính đến giữa năm nay trong khoảng 36.000 tỷ đồng các TCTD cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao thì có khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay vào các khu vùng nông nghiệp do các tập đoàn tư nhân đầu tư. Chính vì vậy, để kích thích tăng trưởng cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thì các địa phương cần chủ động hợp tác với các tập đoàn lớn để phát triển các dự án hợp tác công - tư. Bởi với tiềm lực tài chính mạnh, chỉ có các tập đoàn lớn mới có thể tham gia góp vốn xây dựng hạ tầng các khu, vùng nông nghiệp. Ngoài ra, khi có sự hợp tác giữa địa phương và các DN lớn vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao thì các NHTM cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc tài trợ vốn vay không có tài sản thế chấp.