Làm lông mi giả - nghề mới cho lao động nông nhàn ở nông thôn
- Thứ sáu - 15/06/2012 23:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vượt qua những đoạn đường làng, chúng tôi về cơ sở sản xuất lông mi giả của chị Nguyễn Thị Thuỷ ở thôn Trung Tiến xã Cẩm Hà, ở đây hàng chục chị em đang cặm cụi, tỉ mẩn đan từng chiếc lông mi giả. Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng ai cũng vui vẻ, hớn hở, họ kể cho nhau nghe lúc tối về nhà tranh thủ đan được bao nhiêu chiếc lông mi giả, chuyện mùa vụ, chuyện lĩnh lương để mua sắm thứ này, thứ nọ, chuyện học hành của con cái…
Trong số đó chúng tôi lại thật sự chú ý đến một người đàn ông cao chừng 1,3m, lưng bị gù, đó là anh Nguyễn Văn Hoà. Nhìn khuôn mặt vui cười hớn hở, bàn tay tỷ mẩn gắp từng sợi lông mi giả lắp ghép với nhau, chúng tôi thật sự cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc từng ngày trong anh. Anh Hoà vui vẻ nói: “ Bản thân bị tàn tật, sức khỏe lại yếu, nên trước đây tôi sống rất mặc cảm và luôn nghĩ mình là người thừa của xã hội, nhưng cuộc sống của tôi thật sự đổi thay khi được vào làm tại đây cơ sở sản xuất lông mi giả này, hiện nay nếu làm việc chăm chỉ mỗi tháng lương của tôi từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Từ ngày có việc làm, có thu nhập tôi đã mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, cuộc sống lúc nào cũng vui vẻ, tự tin”
Không chỉ anh Nguyễn Văn Hòa, mà hiện nay cơ sỏ sản xuất lông mi giả của chị Nguyễn Thị Thủy này tạo việc làm thường xuyên cho gần 250 lao động, trong đó có nhiều người khuyết tật với mức thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2,5 triệu/ tháng.
Chị Nguyễn Thị Thủy động viên anh Hòa làm việc |
Được biết cơ sở sản xuất lông mi giả được mở ra từ sự tức thời và tâm huyết của chị Nguyễn Thị Thủy. Sau một thời gian làm lông mi giả cho một cơ sở làm lông mi giả ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị Thủy nhận thấy nghề này vừa nhẹ nhàng, lại không đòi hỏi tay nghề cao mà thu nhập cũng khá, trong khi đó lao động nhàn rỗi ở quê rất nhiều, nên chị đã mạnh dạn xin nhận nguyên liệu về quê mở cơ sỏ làm lông mi giả, sau đó chuyển sản phẩm vào Thành phố Hồ Chí Minh cho cơ sỏ ở trong đó. Với khả năng thuyết phục cao, cũng như uy tín của mình chị đã được chủ cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận và năm 2008 chị đã về quê mở cơ sở sản xuất lông mi này.
Điều đáng nói là việc làm lông mi giả như thế này không đòi hỏi trình độ cao, học nghề chỉ mất 10 đến 15 ngày, công việc nhẹ nhàng, những người sức khoẻ yếu, người tàn tật đều làm được và có thể nhận nguyên liệu về nhà làm, sau đó được chị Thủy thu mua sản phẩm và trả lương theo sản phẩm.
Sản phẩm của cơ sở lông mi giả |
Chị Trần Thị Tình, thôn 5- xã Cẩm Hà nói: “ Có nghề này chúng tôi rất vui, nói thật chứ trước đây không có việc làm chị em tụm năm, tụm bảy nói chuyện rông rài, rồi nhiều khi sinh ra chuyện này chuyện nọ, chứ bây giờ thì đã khác rồi, có thời gian là đan lông mi để lấy tiền, như bản thân tôi gần năm nay tôi chuyên làm việc này, bình quân mỗi tháng thu nhập hơn 2 triệu đồng, tôi nuôi con ăn học cũng từ khoản thu nhập này, mà làm ghề này mưa nắng, hay buổi tối đều tranh thủ làm được, có những tháng lương tôi gần 3 triệu”.
Chị Nguyễn Thị Thuỷ - Chủ cơ sở sản xuất lông mi giả cho biết “ Bước đầu mở cơ sở có nhiều khó khăn, nhưng đến nay cơ bản đã đi vào sản xuất ổn định, hiện nay cơ sở của chúng tôi không chỉ tạo việc làm cho những người trong làng, trong xã mà nhiều chị em ở các xã lân cận cũng ra xin học nghề và nhận nguyên liệu về nhà làm.”
Từ sự tức thời cũng như niềm tâm huyết với việc tạo việc làm cho lao động nữ tại nông thôn của người phụ nữ trẻ này, đã góp phần thực hiện Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân – Một tiêu chí quan trọng để thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh:Hồng Phượng
Đài PT- TH Cẩm Xuyên