Làm sao để làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới?

Làm sao để làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới?
Trên địa bàn Quảng Nam hiện có 44 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 28 làng nhề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo... Nhưng làm sao phải trên cơ sở phát triển hài hòa giữa sản xuất hàng hóa và bảo vệ môi trường, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của địa phương đang là vấn đề đặt ra.

 

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, các làng nghề, làng nghề truyền thống phân bố không đều, phần lớn tập trung ở các huyện đồng bằng như, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An, Điện Bàn... Tập trung vào một ngành nghề, trồng, chế biến, nông lâm thủy sản (trồng rau, chế biến nước mắm, hải sản, làm bánh tráng, phở sắn); sản xuất thủ công mỹ nghệ (dệt vải, thổ cẩm, chiếu cói); gốm sứ, gỗ gia dụng, tre đan; một số nhóm khác như, làm hương, chổi đót, rèn, đóng tàu... Tổng số lao động làng nghề hiện có 5.981 lao động, chủ yếu là phụ nữ và người lớn tuổi, điều này cho thấy áp lực về nhân lực trẻ, kế thừa nghề tại các làng nghề là rất lớn.

Nghề đóng tàu là một nghề truyền thống ở các vùng duyên hải Quảng Nam, nhưng cũng chưa được quan tâm hỗ trợ phát triển đúng mức.

Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tượng tham gia ngành nghề tại nhiều làng nghề gặp nhiều khó khăn, sản xuất chỉ ở mức độ duy trì nghề, không ổn định, hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô, nhiều làng nghề có nguy cơ mai một. Hiện chỉ có rất ít một số làng nghề duy trì ổn định như, làng nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, nhờ gắn với phát triển du lịch. Một số làng nghề khác như, làng trồng rau Trà Quế, vấn chổi Chiêm Sơn, trồng rau Hưng Mỹ, nghề bún Phương Hòa, bánh tráng Đại Lộc... là nơi có điều kiện về mặt bằng, chủ động nguồn nguyên liệu, vốn, mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, chủ động tìm được đầu ra cho sản phẩm... Tuy nhiên, mức thu nhập bình quân lao động ở các làng nghề vẫn thấp, chỉ dao động từ 500 nghìn đến 6 triệu đồng, mỗi lao động trong một tháng.

Có thể thấy rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc ở đa phần các làng nghề, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công, công nghệ lạc hậu, năng xuất thấp. Hàng hóa sản xuất giá thành thấp, sức cạnh tranh hầu như không có. Một vấn đề không kém quan trọng đặt ra, không gian nhiều làng nghề chật hẹp, hầu như đều sử dụng nhà ở làm nơi sản xuất, từ đó trong hoạt động sản xuất đã phát sinh ra các chất thải gây ô nhiễm môi trường. Có thể chỉ ra một số làng nghề cần được quan tâm đầu tư xử lý về môi trường như: Làng nghề bún Phương Hòa, nước thải trực tiếp ra đất, có mùi hôi. Làng gốm Thanh Hà, làng đúc đồng Phước Kiều,  gây ô nhiễm từ khói, bụi do đốt than củi, bột đồng do nấu đồng. Làng phở sắn Đông Phú, nước thải ngâm tinh bột sắn thải ra ruộng, ra vườn nhà...

Mặc dù nhiều làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống, nhưng hầu hết các làng nghề không được quan tâm đầu tư, nhất là về kinh phí hỗ trợ cho phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt các làng nghề gắn với du lịch rất ít, thậm chí nhiều địa phương không có. Một số địa phương thiếu quan tâm, không nắm được thông tin hoạt động của làng nghề, quản lý về làng nghề ở nhiều địa phương còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa rõ ngành nào, đơn vị nào...

Tại một hội nghị mới đây của UBND tỉnh Quảng Nam, đã có nhiều ý kiến của các ngành chức năng, các đơn vị liên quan, tìm những định hướng, giải pháp phát triển làng nghề, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều nhiệm vụ giải pháp đặt ra như, quy hoạch lại các làng nghề, có cơ chế chính sách về vay vốn phát triển sản xuất, về thuế; đầu tư về khoa học công nghệ; xử lý, giải quyết vấn đề môi trường làng nghề; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; phát triển thị trường...; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề; đổi mới về công tác quản lý nhà nước về làng nghề. Quảng Nam cũng đề ra phương châm học hỏi kinh nghiệm các tỉnh, nhất là tỉnh Quảng Ninh về thực hiện Chương trình “Mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm”, để triển khai cho các địa phương thực hiện. Mong rằng những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Theo Hồng Thanh/cand.com.vn