Làm thế nào để doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo?
- Thứ bảy - 21/07/2012 01:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ở Việt Nam, cánh đồng mẫu lớn (CĐML) mới được đưa vào thử nghiệm và bước đầu đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Tuy vậy, trong diễn đàn khuyến nông "@ nông nghiệp” với chủ đề: "Liên kết sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn” vừa được tổ chức tại An Giang, hầu hết các chuyên gia đều có chung nhận định: muốn thành công thì "nhà doanh nghiệp” nhất là doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phải đóng vai trò chủ đạo, vì chính họ mới đủ khả năng đảm trách được cả đầu vào lẫn đầu ra cho nông dân. Song, làm thế nào để doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo là cả một bài toán khó.
Còn khiêm tốn về "chất” và "lượng”
Theo ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 2 năm thực hiện thí điểm mô hình CĐML tại ĐBSCL, diện tích tham gia không ngừng được tăng lên. "Nếu như trong vụ Hè Thu năm 2011, diện tích tham gia mô hình chỉ trên 7.800 héc ta, đạt trên 93% kế hoạch (kế hoạch 8.370 héc ta) thì đến vụ Đông Xuân 2011-2012 diện tích tăng lên trên 19.720 so với kế hoạch đề ra là 18.880 héc ta, đạt trên 104%. Thời gian tới, Cục Trồng trọt sẽ phấn đấu đưa con số này lên 1 triệu héc ta”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, dù diện tích tham gia mô hình CĐML không ngừng tăng lên nhưng so với tiềm năng thì con số này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. "Gần 20.000 héc ta diện tích tham gia mô hình so với con số 1,6 triệu héc ta lúa sản xuất mỗi vụ thì còn quá ít, hơn nữa chúng ta đưa nông hộ nhỏ, sản xuất đơn lẻ, không đồng đều về chất lượng sản phẩm sang sản xuất tập trung có sản phẩm đồng bộ và chất lượng, do vậy cần phải có sự liên kết chặt chẽ”.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, mô hình CĐML là mô hình thành công nhất từ trước tới nay, tuy nhiên ông cũng cho rằng điều cần thì đã có nhưng cái có thì vẫn chưa có. Giải thích vấn đề này, ông Năng chia sẻ, cái có ở đây là Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách để thực hiện mô hình CĐML, chẳng hạn như ưu đãi vốn cho doanh nghiệp đầu tư xây kho tàng, nhà máy... và cái có vẫn chưa có là cho đến nay việc thực hiện các mục tiêu vẫn chưa đáp ứng được. "Chính vì lẽ đó, "chất” của mô hình vẫn chưa phát huy hết, dù thực tế thu nhập của nông dân tham gia vào mô hình có tăng so với nông dân ngoài mô hình”.
Doanh nghiệp đang đứng ngoài cuộc
Lợi ích tham gia mô hình CĐML của người nông dân đã quá rõ nhưng vì sao vẫn chưa thực sự hấp dẫn tuyệt đối với họ? Lý giải vấn đề này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều lý do. Tiến sĩ Bảnh cho rằng, muốn mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong thực hiện mô hình CĐML phát triển tốt thì doanh nghiệp là đầu tàu, phải có năng lực tài chính đủ mạnh. CĐML cần phải có sự đầu tư từ giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm đến đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm nhà máy sấy, kho tàng… Tuy nhiên, hiện nay đa số các doanh nghiệp tham gia vào CĐML cũng chỉ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo nên hiệu quả chưa cao.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thực vật Việt Nam - Trưởng văn phòng đại diện tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết, hiện nay liên kết với nông dân trong việc xây dựng CĐML chỉ có những công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật như Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang, Công ty CP phân bón Bình Điền… và họ không phải là những công ty chuyên kinh doanh lúa gạo. Trong khi đó, những công ty chuyên kinh doanh lúa gạo thì lại thờ ơ với mối liên kết này. "Nếu như các công ty chuyên kinh doanh lúa gạo không tham gia vào liên kết với nông dân, việc tổ chức CĐML trong tương lai sẽ khó mở rộng và lúa gạo Việt Nam rất khó hướng tới phát triển bền vững được”.
Mô hình CĐML là mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng GAP, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao, được xây dựng theo chủ trương của Bộ NN-PTNT tại hầu hết các tỉnh thành Nam bộ từ tháng 3-2011 với hơn 7.800 ha đất canh tác, 6.400 hộ nông dân tham gia; nhưng thực chất nó đã được xây dựng thí điểm tại rất nhiều điểm trình diễn, với quy mô từ vài ha đến vài chục ha ở các tỉnh: Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang… từ vụ Hè Thu 2008-2009.
Khẳng định những cái được của mô hình CĐML, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: "Trước nay trong sản xuất nông nghiệp thường mạnh ai nấy làm. Doanh nghiệp thì chỉ biết bán hàng, thu tiền ngay chứ không dám chịu trách nhiệm đến cùng (ít nhất là sau thu hoạch) với người nông dân. Các nhà khoa học thì thường đứng ở đâu đó rất xa, chỉ đạo chung chung, sách vở. Nhà quản lý ngại "ôm rơm dặm bụng”. Ngành vật tư nông nghiệp bị xé lẻ, qua nhiều cấp, nhiều khâu trung gian phân phối, làm đội giá thành khi tới tay nông dân. Nhà nông cứ theo kinh nghiệm cổ truyền mà làm: tự ý để giống, tự ý gieo cấy và bón phân, xịt thuốc… Sự manh mún, nhỏ lẻ làm giảm khả năng xử lý những gãy vỡ trong chuỗi sản xuất do thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy tham gia mô hình CĐML được hưởng lợi nhiều nhất là người nông dân. Khi đã xây dựng được thương hiệu thì giá trị hạt gạo sẽ tăng, hình thành nhận thức sản xuất lúa theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu. Thực tế hiện nay chất lượng gạo xuất khẩu của ta đã cao hơn gạo Thái Lan”. Phải chăng như vậy mà doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo vẫn đang đứng ngoài cuộc?