Làm thế nào để nông sản vào hệ thống siêu thị hiện đại?
- Thứ hai - 22/04/2019 08:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người tiêu dùng ưu tiên dành sự quan tâm đối với các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Ảnh: Thùy Linh |
Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 20.000 hợp tác xã đang hoạt động. Bộ Công Thương đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các hợp tác xã nông nghiệp tiêu thụ nông sản phẩm trên địa bàn Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Nhưng, số hợp tác xã thành công trong ký kết các hợp đồng tiêu thụ nông sản sau khi kết thúc hoạt động xúc tiến còn khiêm tốn.
Những năm qua, thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm với các hợp tác xã, hộ sản xuất, qua đó chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định được “đầu vào” và “đầu ra”. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, giá cả hàng hóa ổn định khi sản phẩm được đưa vào các kênh phân phối hiện đại. Hầu hết các sản phẩm có mặt trên thị trường được người dân Thủ đô tin dùng.
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết, đơn vị luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà sản xuất, hộ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp trong phân phối hàng hóa tại hệ thống bán lẻ hiện đại, phát triển thị trường xây dựng thương hiệu thông qua thu mua trực tiếp nông sản tại hợp tác xã, hộ nông dân với mức chiết khấu là 0%. Hiện, đã có 40 hợp tác xã liên kết với Big C để cung ứng các hàng hóa nông, thủy hải sản.
Đánh giá cao hiệu quả khi tham gia vào chuỗi nông sản an toàn, ông Hoàng Văn Khảm, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) chia sẻ: Rau, củ, quả của hợp tác xã chủ yếu cung ứng vào hai hệ thống siêu thị bán lẻ Big C và Vinmart, các bệnh viện, trường học lớn của Hà Nội. Nhờ cung ứng vào chuỗi nông sản an toàn, thương hiệu nông sản của hợp tác xã ngày càng được khẳng định, được người tiêu dùng đón nhận.
Cần nâng cao chất lượng “đầu vào” của nông sản
Để đưa được hàng hóa nông sản bảo đảm chất lượng vào chuỗi siêu thị hiện đại nói chung, Big C nói riêng, bà Phạm Thị Thùy Linh - Giám đốc thu mua miền Bắc của Big C cho biết, doanh nghiệp thường phải qua các bước: Duyệt hồ sơ; đàm phán và ký hợp đồng... Sau khi hồ sơ được duyệt, bộ phận thu mua sẽ đến hợp tác xã kiểm tra. Nếu đạt điểm A thì hàng hóa sẽ được đưa ngay vào siêu thị; nếu đạt điểm B thì cần khắc phục trong 15-20 ngày; điểm C thì sẽ chưa thể ký kết hợp tác được.
Đại diện siêu thị Big C cho biết, trong những năm gần đây, đã có sự thay đổi, chuyển dịch không nhỏ trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng hiện đại. Cụ thể, sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc; sản phẩm đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; sản phẩm bao bì nhãn mác được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn tem nhãn của nhà nước; sản phẩm đặc sản địa phương và sản phẩm mùa vụ; sản phẩm nông sản sản xuất trong nước bắt đầu có xu hướng lấn sát các sản phẩm nhập ngoại; sản phẩm nông sản hữu cơ. Đây cũng là định hướng dành cho các HTX để phát triển và quy hoạch sản xuất trong thời gian tới.
Hiện nay, thay vì mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chỉ dựa vào cảm quan và kinh nghiệm để đánh giá, người tiêu dùng trong chuỗi bán lẻ hiện đại ưu tiên dành sự quan tâm đối với các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Bên cạnh đó, các chứng nhận quy chuẩn như VietGAP hay GlobalGAP tạo nên sức cạnh tranh rất lớn cho các cơ sở sản xuất, góp phần đẩy mạnh lượng tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất bền vững theo quy hoạch; công khai phát triển vùng, khu vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh.
Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nông dân chủ động lập quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn được các bộ, ngành xây dựng và ban hành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị hàng nông sản.
Theo Thuỳ linh/thanglong.chinhphu.vn