Làm thế nào để phát huy thành quả nông thôn mới?

Làm thế nào để phát huy thành quả nông thôn mới?
Ðến nay cả nước có gần 200 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hơn 600 xã đạt từ 16 đến 18 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương vẫn lúng túng trước câu hỏi làm thế nào để phát huy thành quả xây dựng nông thôn mới trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.
Làm thế nào để phát huy thành quả nông thôn mới?

Xác định mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người trong nhiệm kỳ 2010-2015 được nhiều đảng viên ở các xã nông thôn mới của huyện Thanh Oai (Hà Nội) bàn luận. Khá nhiều xã, sau khi quy hoạch đồng ruộng, các gia đình giảm từ bốn đến sáu thửa xuống còn hai thửa, thuận tiện cho sản xuất, nhưng vướng ở chỗ diện tích ruộng bình quân đầu người lại thấp đi, bởi diện tích canh tác không thay đổi, nhưng phải dành một phần để làm mương thủy lợi, đường giao thông nội đồng. Trong khi đó, dân số vẫn tăng. Nhiều gia đình trước kia một hộ nay tách ra ba, bốn hộ với hàng chục nhân khẩu, dẫn đến bình quân diện tích canh tác tính trên hộ khoảng một ha/khẩu thì nay chỉ còn ba hay bốn sào/hộ. Vì vậy, dù có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, sản lượng, chất lượng tăng cao thì vẫn khó đạt mục tiêu thu nhập mong muốn.

Xã An Ninh, huyện Tiền Hải (Thái Bình) vốn là vùng đất trồng lúa năng suất cao, nhưng theo một số đồng chí lãnh đạo xã nếu áp dụng phương pháp tiên tiến nhất thì năng suất lúa của bà con cũng chỉ đạt gần 80 tạ/ha, gấp 1,5 lần so với mười năm trước, nhưng dân số trong xã đã tăng gấp ba lần. Chính vì vậy, cách tính thu nhập bình quân đầu người nhiệm kỳ 2010-2015 của nhiều xã phải cộng cả phần thu nhập của số lao động đi làm ăn xa và lương của con em làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất mới đủ mục tiêu đại hội đề ra. Một khó khăn nữa là giá cả phương tiện máy móc, vật tư nông nghiệp và đầu ra. Khá nhiều xã nông thôn mới tỉnh Bắc Ninh đã áp dụng máy gieo sạ, máy gặt đập liên hợp và áp dụng giống cây con mới. Tuy nhiên chi phí lớn so với hiệu quả gieo trồng. Nhiều bà con trồng lúa cho biết lợi nhuận sau trừ chi phí hầu như không còn mấy, đó là chưa kể đến mất mùa, thiên tai hay bị tư thương ép giá.

Nhiều đảng viên cho rằng, các cấp ủy, chính quyền cần nghiên cứu tìm các giải pháp khắc phục khó khăn. Với các xã số dân đông, nên phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để nâng thu nhập. Các ngành, các cấp cần quan tâm giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học và phân phối để giảm chi phí, tăng lợi ích kinh tế. Có như thế, các xã mới phát huy được những thành quả xây dựng nông thôn mới vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho người dân.

Theo: nongthonviet.com.vn