Làng nghề Việt Nam: Thiếu liên kết, khó phát triển

- Làng nghề không những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là nơi gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của người dân nhiều nơi. Làng nghề phát triển đã và đang góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn.
Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm "Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập" do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Công thương và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng 20-4. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra đòi hỏi phải sớm có giải pháp tháo gỡ...

 
Khách du lịch quốc tế học cách làm nón. Ảnh: Gia Hiếu
Khách du lịch quốc tế học cách làm nón. Ảnh: Gia Hiếu


Sản xuất lạc hậu, thiếu sự liên kết

Hàng nghìn làng nghề thủ công truyền thống trên cả nước là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân gian, lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần đặc sắc của dân tộc... Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, làng nghề Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, thậm chí có nguy cơ tụt hậu. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần trăn trở, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của làng nghề còn thấp, mẫu mã đơn điệu, chậm thay đổi, sức cạnh tranh hạn chế. Do thị trường chậm được mở rộng nên hiện nay làng nghề bị bó hẹp trong khuôn khổ sản xuất, tiêu thụ những sản phẩm vốn có, chưa nghiên cứu sâu nhu cầu của người tiêu dùng, chưa vươn tới cung cấp cho các vùng, miền khác và xuất khẩu.

Trên thực tế, do chưa gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên, phụ liệu đến sản xuất và tiêu thụ khiến thu nhập của người sản xuất thường quá thấp và để trung gian thu lợi lớn. Một vấn đề khiến làng nghề chưa phát huy được hết tiềm năng, tiềm lực là việc liên kết giữa các cơ sở, làng nghề còn nhiều hạn chế. Do đó, để làng nghề phát triển ổn định, cần có sự thay đổi, bước đột phá về phương thức sản xuất bằng sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành và bằng cơ chế, chính sách cụ thể. GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thẳng thắn chỉ rõ: Làng nghề đang phát triển mà thiếu sự liên kết từ trên xuống dưới. Trên là các bộ, ngành; mỗi bộ, ngành chỉ quan tâm đến làng nghề ở góc độ chuyên môn riêng của mình, chưa có sự chung tay thúc đẩy làng nghề phát triển đồng bộ. Ví dụ Bộ Công thương lo công nghệ liên quan đến làng nghề, Bộ NN&PTNT quan tâm giải quyết về đất, Bộ VH-TT&DL lo cho làng nghề ở góc độ quảng bá văn hóa nghề... Tương tự, sự thiếu liên kết diễn ra trực tiếp ở làng nghề như hộ sản xuất "đèn ai nấy rạng", sản xuất manh mún, tiêu thụ khó khăn, đầu vào nguyên liệu tự lo... Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn kiến nghị, phải có đột phá về thể chế, định rõ vai trò kinh tế tư nhân trong làng nghề đối với phát triển kinh tế mới tạo ra sự liên kết cần thiết để phát triển làng nghề. 

Tháo gỡ bằng cơ chế trách nhiệm

Để tháo gỡ khó khăn, bất cập từ thực tế làng nghề hiện nay, các đại biểu thống nhất cho rằng, trước tiên cần tháo gỡ khó khăn về con người vì đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chưa được quan tâm, tôn vinh đúng mức; nghệ nhân chưa được hỗ trợ để truyền dạy nghề cho lao động nông thôn, sáng tạo mẫu mã mới... Cùng với đó, cần quan tâm ứng dụng khoa học, công nghệ vào làng nghề, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, trong thiết kế, sáng tạo mẫu mã, nhất là trong bảo vệ, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến khẳng định, hầu hết các cơ sở tại làng nghề không có hệ thống xử lý chất thải. Các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn được xả trực tiếp ra môi trường gây bức xúc dư luận. Quốc hội đã chỉ đạo và Chính phủ đặt ra mục tiêu "Đến năm 2020, di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp làng nghề" cần sự nỗ lực của ngành môi trường và cả hệ thống chính trị. 

Một số đại biểu kiến nghị, để lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề, nên xem xét mở rộng chức năng văn hóa du lịch, các khu triển lãm, bảo tàng, nhà văn hóa hoặc trợ giúp một phần kinh phí để trưng bày sản phẩm, xây dựng bảo tàng làng nghề. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghề và làng nghề truyền thống phát triển bền vững như tiếp cận vốn tín dụng, giảm thiểu các thủ tục, tăng cường cho vay tín chấp, giảm lãi suất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; có chính sách khuyến khích các làng nghề đưa hàng về các vùng nông thôn, miền núi, mở rộng thị trường nội địa.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nhằm tháo gỡ "rào cản" trong phát triển làng nghề, trong tháng 5-2015, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiến hành ký kết chương trình phối hợp với các bộ, ngành về nhiều chương trình, giải pháp cụ thể nhằm tăng tốc phát triển làng nghề. Theo đó, MTTQ và các bộ, ngành sẽ chọn từ 5 đến 10 làng nghề đặc trưng trên cả nước để tập trung quan tâm tháo gỡ, giải quyết vướng mắc... Trên cơ sở đó sẽ từng bước tìm cách giải quyết các bài toán về vốn, dạy nghề, xây dựng thương hiệu, tôn vinh nghệ nhân, đầu vào nguyên liệu, đầu ra sản phẩm, vấn đề du lịch làng nghề...

 
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến 31-12-2014, cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748 làng, thu hút khoảng 10 triệu lao động (Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 286 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống). Nhiều làng nghề tồn tại từ 500 đến 1.000 năm, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến.