Lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành

Lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành
Hai mươi tháng sau lần gặp gỡ, đối thoại với nông dân lần thứ nhất, ngày 10 tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân lần thứ hai với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.
04.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan các gian trưng bày nông sản. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Sau 20 tháng của buổi gặp gỡ đầu tiên, nhiều vấn đề bức xúc để tiếp đà 30 năm đổi mới, khơi nguồn động lực phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, nâng cao hiệu quả tiềm năng nông nghiệp,… đã từng bước được tháo gỡ. Nhờ đó, năm 2018, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Và năm 2019, dù gặp nhiều bất lợi, rủi ro cả từ dịch bệnh, thị trường (do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bảo hộ,…) nhưng nông nghiệp vẫn đạt những kết quả khả quan: Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt 9,5-10 tỷ USD.

Dù vậy, sản xuất nông nghiệp vẫn gặp rất nhiều rào cản, nhiều mặt hàng chủ lực sụt giảm cả số lượng và giá trị xuất khẩu.Theo Ban Tổ chức Hội nghị đối thoại của Thủ tướng với nông dân lần thứ hai này, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia... gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Các câu hỏi của tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn: vấn đề tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; vấn đề về đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; vấn đề về vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho bà con nông dân…

Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng bày tỏ mong muốn bà con nêu ra các vấn đề thiết thực như sản xuất sản phẩm giá cao, cạnh tranh không được trong khi hội nhập quốc tế thì sản phẩm nước ngoài vào, làm gì để có sản phẩm tốt, giá thành hạ để bán cho người tiêu dùng trong nước và hướng xuất khẩu. Nhà nước phải làm gì, người dân phải làm gì, Thủ tướng đặt vấn đề.

Sau khi lắng nghe tâm tư nguyện vọng và phản ánh của 19 nông dân đại diện cho hơn 10 triệu hộ nông dân cả nước với 53 câu hỏi, vấn đề được nêu lên, Thủ tướng khái quát lại những vấn đề lớn: “Còn nhiều vấn đề tồn tại trong sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Thời gian ngắn không thể giải quyết chi tiết thấu đáo tất cả các câu hỏi nhưng qua buổi thảo luận hôm nay có thể hình dung một cách hệ thống hơn những vấn đề bà con nông dân quan tâm”. Và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh, sau Hội nghị này, các Bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân, nhất là ngành nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, Thủ tướng đặt câu hỏi: Nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác?

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ: Nhà nước quan tâm, người nông dân cũng phải tự đổi mới, phải vào hợp tác xã, liên kết làm sao. Tính chủ động của bà con rất quan trọng. Nếu cứ làm theo cách cũ, sản xuất tràn lan, thâm dụng đất đai, ảnh hưởng đến môi trường, không tự tái cơ cấu thì khó thành công. “Đất nước Việt Nam chúng ta cần một lớp nông dân đổi mới” không để đất manh mún, nhỏ lẻ. Thủ tướng nhấn mạnh: Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức, không những kiến thức khoa học công nghệ mà cả kiến thức về thị trường để sản xuất có hiệu quả hơn.  “Nông dân của chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình”, Thủ tướng đặt vấn đề về tinh thần tự lực, tự cường của nông dân Việt Nam.

Thủ tướng cũng ghi nhận cần tiếp tục tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp nông dân, trước hết là những vấn đề cấp bách, chống sạt lở và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cho biết, sẽ tổ chức cuộc đối thoại tại khu vực miền Trung để chính sách sát hơn với các vùng.

Sau Hội nghị đối thoại của Thủ tướng lần thứ hai, Ban biên tập Kinh tế nông thôn nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, chủ doanh nghiệp, nhà quản lý các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhiều nhà nông, nhà vườn, chủ trang trại thông qua hộp thư của báo và qua phóng viên của báo tại các địa phương báo cáo về. Có thể tóm tắt ngắn gọn: Đây là cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn. Thủ tướng thật sự chú ý lắng nghe, đã thấu hiểu rõ những trở ngại, rào cản và cam kết đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, nhà vườn, chủ trang trại trong hành trình thực hiện khát vọng tự lực tự cường, Dân giàu Nước mạnh. Mọi người đều tin rằng, “dòng chảy” liên kết sáu nhà do Thủ tướng khởi xướng tại hội nghị gặp gỡ nông dân lần thứ nhất (tháng 4 năm 2018) sẽ được khơi thông, mở rộng. Khi dòng chảy liên kết không còn ách tắc, trở ngại thì chuỗi giá trị nông sản sẽ hình thành mạnh mẽ, rộng rãi và tất cả sẽ cùng thắng bởi chúng ta là một. Và họ mong muốn, các bộ ngành, mọi cán bộ công chức và người nông dân cùng “nóng” với tâm huyết của Thủ tướng.