Làng nghề trong xây dựng nông thôn mới

Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Hội KTS Hà Nội tổ chức chiều 24/11 tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.


TS. KTS Tạ Nam Chiến.

Dẫn luận buổi tọa đàm, TS. KTS Tạ Nam Chiến cho biết, cần nghiên cứu quan tâm xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến việc bảo tồn, phát huy giá trị của làng nghề như hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, các cơ chế về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề, cải thiện môi trường.

Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng quy chuẩn Quy hoạch kiến trúc 04 quận nội thành. Vì vậy, cần đưa ra các quy định quản lý cụ thể về mật độ xây dựng, chiều cao xây dựng công trình khu vực làng xóm trong đô thị, xây dựng và ban hành các tiêu chí đối với các làng nghề, làng xóm tiêu biểu để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đối với hình thái kiến trúc khu vực làng xóm, cần nghiên cứu một số mẫu thiết kế kiến trúc phù hợp với tập quán, truyền thống của người dân nông thôn, đảm bảo tiện nghi sử dụng và phù hợp sự phát triển của xã hội.

Với tham luận: “Hiện trạng và khai thác giá trị di sản làng nghề truyền thống Hà Nội phục vụ phát triển đô thị”, ThS. KTS Nguyễn Tuấn Minh đã chỉ ra thực trạng các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội và chỉ ra những giá trị không gian kiến trúc cảnh quan và những chuyển biến không gian kiến trúc cảnh quan ảnh hưởng đến yếu tố truyền thống của làng nghề ở Hà Nội.


THS. KTS. Nguyễn Thị Hà.

ThS. KTS Nguyễn Tuấn Minh cho rằng, nét độc đáo của Hà Nội so với các thành phố khác theo quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là một vùng đô thị rộng lớn bao gồm các khu vực nông thôn (nông thôn trong thành thị). Sự tồn tại của các làng xã ra sao là nhiệm vụ đặt ra cho công tác bảo tồn và phát triển thành phố. Duy trì không gian kiến trúc cảnh quan các làng nghề truyền thống sẽ duy trì được hình ảnh nông thôn đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội.

Để làm được điều đó cần có những giải pháp cải tạo chỉnh trang, bảo tồn và quản lý kiến trúc cảnh quan các làng nghề trong quá trình xây dựng mô hình nông thôn mới phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Ban Chấp hành Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, để tạo điều kiện cho các làng nghề có thể mở rộng thị trường, có thêm vốn, công nghệ tiên tiến thì cần phát huy tiềm năng lợi thế, phát triển mạnh nghề truyền thống của làng nghề, không ngừng nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm phù hợp thị hiếu và nhu cầu thị trường tiêu dùng.

Phát triển làng nghề gắn với lợi ích, đời sống thiết thực của nhân dân. Trong quá trình sản xuất, cần áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, máy móc hiện đại được đưa vào sử dụng góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao trình độ sản xuất và năng suất lao động, nhằm nhanh chóng nâng cao đời sống của nhân dân, giảm nhanh khoảng cách giàu nghèo, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Việc sản xuất phải gắn liền với việc giữ gìn thương hiệu sản phẩm, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương, gắn liền với lịch sử phát triển của làng nghề, mỗi một làng nghề là một địa chỉ văn hóa phản ánh nét văn hóa độc đáo của từng địa phương.


Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Phát triển làng nghề truyền thống gắn với sự phát triển du lịch góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo thêm nhiều việc làm mới. Làng nghề cần có những điểm dịch vụ bán sản phẩm, đồ lưu niệm cho khách, khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, có nơi tổ chức thao diễn các công đoạn làm ra sản phẩm, giới thiệu về vẻ độc đáo của sản phẩm, hướng dẫn khách tham quan nơi thờ tổ làng nghề, nhằm xây dựng môi trường du lịch văn hóa, làm được như vậy thì du lịch làng nghề mới trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Theo baoxaydung.com.vn