Làng trồng dược liệu hàng trăm năm ở Hưng Yên

Hàng trăm năm qua, người dân thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang (Văn Lâm – Hưng Yên) vẫn lưu giữ nghề trồng cây dược liệu.
Làng trồng dược liệu hàng trăm năm ở Hưng Yên
Toàn xã Tân Quang hiện trồng gần 20ha cây dược liệu, 38ha hoa cây cảnh, chủ yếu tại thôn Nghĩa Trai. Bà Đỗ Thị Lê, trưởng thôn Nghĩa Trai cho biết, thôn có 560 hộ thì 80% số hộ tham gia trồng cây dược liệu. Đây là nghề truyền thống, nhiều đời cha ông để lại nên cũng chỉ áng chừng tồn tại vài trăm năm, thậm chí cả nghìn năm.
70% diện tích dược liệu của thôn Nghĩa Trai dành để trồng cây cúc chi (cúc hoa vàng). Công dụng chủ yếu của hoa cúc chi là làm trà và dược liệu sau khi sấy khô. Cây thường được xuống giống từ tháng 7 Âm lịch, 4 tháng sau thì thu hoạch. Đỉnh điểm, cúc chi sấy khô “sạch” có giá tới 800 nghìn đồng/kg.
Cây cúc chi dễ trồng, tuy nhiên thời điểm đầu vụ khi còn non, cây rất dễ bị các loài gây hại như sâu đất, sâu xanh, rệp, bọ nhảy… Người dân Nghĩa Trai phải dùng các loại thuốc sinh học để diệt sâu bệnh.
Tuy nhiên, khi cây phân cành, trổ hoa, tuyệt đối không được dùng thuốc vì vấn đề an toàn thực phẩm. Thậm chí việc làm cỏ cũng phải được thực hiện bằng tay. Cúc chi ưa đất, ẩm nên thường xuyên phải vun đất, tưới nước.
Ngoài cúc chi, làng dược liệu Nghĩa Trai còn trồng nhiều loại như: hoắc hương, cổ sâm, mần trầu, tía tô, kinh giới, cốt khí... Mỗi loại đều là một dược liệu quý, được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc nam.
Điển hình như cây hoắc hương, người làng cho biết có thể chữa các loại bệnh như đau bụng, đau đầu, giảm ho, chữa viêm xoang, mũi… Hoắc hương thường được người dân thu hoạch buổi sáng, sau đó thái nhỏ, đem sấy. Giá mỗi kg hoắc hương sau khi sấy dao động từ 30 – 50 nghìn đồng.
Ông Đỗ Văn Trấn, người làng Nghĩa Trai cho biết, trồng dược liệu không khó nhưng năm nay thời tiết khắc nghiệt, nắng nhiều mưa ít. Người dân tốn công sức trong việc bơm nước tưới.
Người làng Nghĩa Trai bảo, trồng dược liệu nhàn và giá trị cao hơn trồng lúa nhưng luôn đầu tắt, mặt tối như nuôi con mọn. Ngày nào cũng phải ra ruộng kiểm tra sâu bệnh, làm cỏ, bón phân, tưới nước.
3 năm trở lại đây, dược liệu làng Nghĩa Trai sản xuất luôn được giá, đặc biệt là cây cúc chi. Sản phẩm dược liệu Nghĩa Trai được xuất bán khắp cả nước. Nhiều hộ ăn nên làm ra nhờ nghề trồng cây dược liệu.
KẾ TOẠI/https://nongnghiep.vn