Lao động nông thôn: Nâng cao công tác đào tạo nghề

Sau 7 năm triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), hơn 5 triệu nông dân được học nghề, nâng cao năng suất, tăng thu nhập... Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều nơi dạy nghề mang tính hình thức, không hiệu quả. Nâng cao công tác đào tạo nghề là nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới.
Chương trình đào tạo nghề LĐNT giúp tăng thu nhập cho người dân

Nhiều vướng mắc

An Giang là tỉnh nông nghiệp thuộc đồng bằng sông Cửu Long với dân số gần 2,2 triệu người, trong đó LĐNT chiếm 70%. Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang được đặc biệt quan tâm. Năm 2016, tỉnh An Giang mở 167 lớp, đào tạo cho 4.726 LĐNT, có khoảng 80% học viên sau khi học nghề đều áp dụng vào thực tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, công tác dạy nghề cho LĐNT ở địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, ở một số nơi, công tác chỉ đạo thiếu tập trung, việc lựa chọn nghề đào tạo thiếu linh hoạt… nên chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả dạy nghề chưa cao. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp (DN) chưa thật sự chặt chẽ đã ảnh hưởng đến công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động…

Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - chia sẻ, Hà Giang là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, địa bàn cách trở nên việc tổ chức trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề để bà con tập trung đến học rất khó. “Nhiều lao động học nghề xong, địa phương cũng không có đủ DN để tiếp nhận. Vì thế, có những huyện mỗi năm vẫn có đến 4.000 - 5.000 lao động bỏ sang bên kia biên giới để kiếm việc làm” - ông Quý nêu thực tế.

Đồng tình với ý kiến lãnh đạo tỉnh Hà Giang, đại diện Sở NN&PTTN tỉnh Hà Nam cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh, các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động nông nghiệp còn ít, người học chủ yếu là tự tạo việc làm. Bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp/đầu người của Hà Nam còn thấp, LĐNT học nghề xong chưa có cơ chế hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, hành nghề đã được học.

Đào tạo nghề phải gắn với thị trường

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết: Một số nơi vẫn còn tình trạng gặp gì dạy đó và “đánh trống ghi tên” để nhận tiền đào tạo. Ngoài ra, nhận thức về đào tạo nghề của các địa phương chưa “tới tầm”, vì vậy, nhiều địa phương chưa đầu tư đúng mức nguồn lực. Hiện, vẫn có 26 tỉnh chưa bố trí đủ kinh phí đào tạo, 17 tỉnh bố trí kinh phí chưa được một nửa, còn một tỉnh chưa bố trí.

Trước ý kiến phản ánh từ các địa phương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Bộ đã đưa ra một loạt danh mục đào tạo nghề, không phải địa phương nào cũng đào tạo tất cả các nghề đó, mà cần dựa vào điều kiện của địa phương, trình độ của người dân để lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, nhà nước rất chú trọng đầu tư vào công tác đào tạo nghề. Trung ương đã lồng ghép nhiều chương trình dành cho đào tạo nghề, trong giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư nguồn kinh phí gấp 4 lần so với giai đoạn trước. Đây chỉ là một phần kinh phí hỗ trợ đào tạo, do đó, các địa phương cần đầu tư ngân sách địa phương, lồng ghép nhiều chương trình, xã hội hóa, hợp tác quốc tế để có nguồn kinh phí đầu tư cho đào tạo.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Đề án của trung ương và các bộ chỉ là định hướng khung, địa phương mới là khâu quyết định cuối cùng. Địa phương căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội, điều kiện chuyển đổi để lựa chọn đầu tư cho đào tạo nghề.