Lao động, sáng tạo của nông dân góp phần xây tượng đài Đổi mới
- Thứ tư - 18/10/2017 09:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới” được tổ chức tại thủ đô Hà Nội (truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam). Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh; Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới”. Ảnh: Đ.D
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn đã trao tặng danh hiệu và cúp “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới” cho 40 đại biểu nông dân xuất sắc. Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng T.Ư Đặng Thị Ngọc Thịnh và Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trao danh hiệu và cúp “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới” cho 47 nông dân. |
Dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư và Hà Nội; đại diện lãnh đạo Hội ND các tỉnh, thành phố, đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và cộng đồng doanh nghiệp… Đặc biệt, buổi lễ có sự tham dự của 87 gương mặt nhà nông xuất sắc 30 năm Đổi mới, đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân cả nước.
Tìm tòi, tạo thêm thuận lợi cho nông dân
Trong bài phát biểu tại buổi lễ ngay sau khi trao danh hiệu cho 87 Nông dân xuất sắc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không quên nhắc lại trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nông dân là lực lượng đặc biệt quan trọng, có vai trò to lớn, góp phần viết lên những trang sử chói lọi của dân tộc. Người nông dân Việt Nam trong thời bình là những người lao động cần cù, chịu thương chịu khó xây dựng quê hương. Ngày nay giai cấp nông dân Việt Nam tiếp tục nâng cao truyền thống yêu nước và cách mạng, không ngừng phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới…
Khẳng định sức sáng tạo của giai cấp nông dân trong nông nghiệp, nông thôn từ chính thực tiễn lao động, sản xuất, Thủ tướng phân tích: “Ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, những chính sách đột phá, kịp thời như “khoán 10”, “khoán 100” đã làm thay đổi cách quản lý, giải phóng sức lao động trong nông nghiệp, trao quyền tự chủ cho người nông dân…”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị 87 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới” được vinh danh phát huy vai trò điển hình tiên tiến, tiếp tục công hiến sức lực, trí tuệ, có cách làm mới, sáng tạo hơn, truyền cảm hứng, giúp đỡ bà con nông dân trong cộng đồng phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc ta...
Thủ tướng giao cho Hội NDVN, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tìm tòi, có nhiều giải pháp, cách làm, tạo mọi điều kiện thuận lợi về đào tạo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao cuộc sống của nông dân…
Trước đó, phát biểu khai mạc buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn khẳng định, Chương trình tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm Đổi mới nhằm ghi nhận, biểu dương kịp thời những thành tích xuất sắc của những người nông dân không chỉ chịu khó, chắt chiu, tận tụy, kiên cường, hăng say trong lao động sản xuất, mà còn có ý chí quyết tâm, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh, thị trường và dám chịu trách nhiệm. Đó là những người luôn có ý chí khát vọng làm giàu chính đáng, khát vọng cống hiến nhiều cho đất nước, tích cực, chủ động tìm tòi, học hỏi cách làm ăn hiệu quả, quản lý khoa học, phát triển ý tưởng, sáng tạo, đột phá mới vào sản xuất, chế tạo máy phục vụ nông nghiệp tăng năng suất lao động, tạo ra bước phát triển nhảy vọt trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn...
Nguồn năng lượng, cảm hứng bất tận
Tại buổi lễ tôn vinh và trao danh hiệu, cuộc giao lưu, trò chuyện giữa 3 nhân vật gồm: ông Phạm Hồng Thưởng - nguyên Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng; ông Nguyễn Công Thừa - Chủ nhiệm HTX Anh Đào, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) và nhà văn Chu Lai đã để lại ấn tượng xúc động cho khán giả và công chúng. Nếu như ông Phạm Hồng Thưởng và ông Nguyễn Công Thừa như 2 gạch nối, 2 thế hệ nông dân nối liền giữa thời kỳ trước và trong Đổi mới, thì nhà văn Chu Lai đóng vai trò như chứng nhân lịch sử ghi nhận sự dũng cảm và thành tích ấn tượng giữa 2 thế hệ của nhà nông.
Ông Phạm Hồng Thưởng những năm 1970 đến trước năm 1986 đã cùng tập thể Đảng ủy, HTX Nông nghiệp Đoàn Xá dũng cảm, mạnh dạn áp dụng “khoán chui” theo nguyện vọng của nông dân với quyết tâm thà “chưa được nhận thẻ đảng chứ không để dân đói khát” do cơ chế quản lý nông nghiệp lạc hậu, phi thực tế. Đây chính là cơ sở thực tiễn hết sức sinh động thúc đẩy Đảng ta gấp rút xây dựng và ban hành Nghị quyết X (1988) tạo đà tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp; tạo sức chuyển biến thần kỳ của đời sống nông dân, bức tranh nông thôn Việt Nam những năm sau Đổi mới. Đó cũng là cơ sở, tiền đề để sau này xuất hiện những hợp tác xã kiểu mới sẵn sàng hội nhập quốc tế như Hợp tác xã Anh Đào của ông Nguyễn Công Thừa.
Mặc dù là nhân vật đã được nghe câu chuyện của ông Phạm Hồng Thưởng và ông Nguyễn Công Thừa trước khi bước vào tọa đàm, nhà văn Chu Lai vẫn phát thốt lên tự đáy lòng mình những lời thán phục: “Riêng tôi, khi nói về người nông dân, thì một người lính như tôi phải đứng dậy nghiêng mình kính cẩn. Tôi viết về người lính nhưng người lính cũng là những con người đi lên từ cánh đồng, từ ruộng vườn. Lịch sử đã chứng minh trong giai đoạn nào, giai cấp nông dân cũng có vai trò đóng góp vô cùng to lớn trong quá trình xây dựng đất nước… Người nông dân, hình ảnh nông thôn vẫn luôn nguồn năng lượng, niềm cảm hứng bất tận của nhà văn…
Theo: Phương Đông/danviet.vn