Lật lại vấn đề tích tụ ruộng đất: Cho thuê đất có việc làm có lương
- Thứ hai - 24/04/2017 20:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân làm việc như… công nhân
Xuân Khê là 1 trong 4 địa điểm được tỉnh Hà Nam quy hoạch để làm nông nghiệp công nghệ cao, UBND tỉnh Hà Nam đã xác định đây là vùng cần tích tụ đất đai để thực hiện mục tiêu trên với thời hạn cho thuê 20 năm. Tuy nhiên, khi quyết định về đến xã đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của người dân bởi phần lớn các hộ dân ở đây làm nghề sản xuất nông nghiệp, số diện tích trên được họ trồng cấy để phục vụ cho chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình đã sắm các loại vật tư, máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy gặt… sẽ không có việc làm, các hộ gia đình kinh doanh các dịch vụ về nông nghiệp mất thị trường.
Nhiều nông dân được doanh nghiệp thuê lại vào làm việc tại các khu nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nam. ảnh: Hà Hiền
Hiểu được những trăn trở đó, lãnh đạo UBND xã đã tổ chức thành lập các đoàn tuyên truyền đến từng thôn, xóm, giải đáp những câu hỏi của người dân, những hộ nào đồng ý sẽ ký hợp đồng trực tiếp với lãnh đạo xã. Đến nay, các hộ dân đã tự nguyện giao 110ha đất, bao gồm cả đất màu và đất 2 vụ lúa với giá thuê 150kg ngô/sào/năm, bước đầu doanh nghiệp (DN) đã triển khai dự án và đi vào sản xuất.
Theo thông lệ, với mỗi dự án cần thu hồi đất, DN trực tiếp ký hợp đồng với người dân, song tỉnh Hà Nam đã có một hướng đi mới nhằm tạo niềm tin cho người dân. Đó là: Chủ tịch UBND xã là người đại diện trực tiếp ký hợp đồng với người dân, sau đó tỉnh sẽ giao đất cho Sở TNMT để cho DN thuê lại đầu tư sản xuất. Ông Ngô Văn Quang- Chủ tịch UBND xã Xuân Khê cho biết: “Thực hiện chủ trương của tỉnh, xã đã kiên trì giải thích, vận động để người dân tự nguyện cho DN thuê đất. Đến nay, Xuân Khê đã “gom” được 110ha đất của hơn 1.000 hộ dân, chiếm khoảng 40% diện tích đất nông nghiệp của xã để cho DN thuê và 78ha diện tích đất đã được DN đưa vào sản xuất”.
Phóng viên Báo NTNN đã tìm hiểu câu chuyện người dân sẽ làm gì sau khi cho DN thuê đất. Công ty VinEco đã thuê lao động của xã để tham gia sản xuất. Ban đầu, DN ưu tiên thuê lại những lao động có diện tích đất đã cho DN thuê, song do nhu cầu ngày càng tăng cao, ngay cả những người không có đất cho thuê vẫn có thể đi làm. Tại đây, DN thuê những lao động cả trong và ngoài độ tuổi lao động, những người khoảng 60 - 65 tuổi, còn sức lao động vẫn có thể đi làm được.
Thu nhập của lao động được trả 130.000 đồng/ngày, một tháng được nghỉ tối đa 4 ngày, thời gian làm việc 8 tiếng nhưng khá linh động, người dân có thể làm sớm, nghỉ sớm nếu thời tiết nắng, làm muộn nghỉ muộn. Chị Trương Thị Phúc (xóm 1) chia sẻ: “Công việc đang làm rất ổn định, những việc nặng nhọc đã có máy móc làm hết, người lao động chỉ phải làm những việc nhẹ mà vẫn có 4 triệu đồng tiền lương/tháng”.
Bên cạnh đó, việc các DN đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần đảm bảo tốt môi trường. Do trước đây sản xuất còn tự do, nhỏ lẻ, manh mún nên người dân phun thuốc sâu rất bừa bãi, rơm rạ, ngô thu hoạch xong để lại cây tại ruộng để đốt dẫn đến ô nhiễm khói bụi... ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước.
Tích tụ đất đai ngày càng phổ biến
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện nay hoàn toàn theo cơ chế thị trường, cung cầu gặp nhau, thỏa thuận giá cả và các điều kiện cần thiết theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ đóng vai trò theo dõi và quản lý biến động về đất đai. Tất cả các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải làm các đầy đủ các thủ tục sang tên trước bạ, chuyển quyền sử dụng đất từ người này sang người khác và phải nộp đầy đủ các loại phí, thuế theo quy định”.
|
Năm 2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 2311/QĐ-UBND thí điểm về việc hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân gom ruộng sản xuất vụ đông.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh có 86.920ha đất nông nghiệp (chiếm 72,52% diện tích tự nhiên). Số hộ có diện tích nhỏ hơn 0,5ha chiếm 96% hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Mỗi hộ có trung bình 5,7 thửa, mỗi thửa ruộng trồng cây hàng năm khoảng 362m2. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có chính sách về đất đai để thực hiện dồn điền, đổi thửa.
Đến nay, toàn tỉnh có 663 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mua, thuê gom ruộng đất để phát triển nông nghiệp; 47 trang trại tổng hợp sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, gom, thuê đất từ 0,5ha trở lên. Trong đó, có 28 tổ chức, cá nhân mua, thuê gom ruộng đất đầu tư trồng trọt, mức thuê dao động từ 10 - 30 triệu đồng/ha/năm; 485 trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sử dụng diện tích đất khoảng 2.200ha; 47 trang trại tổng hợp sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, gom, thuê đất từ 0,5ha trở lên với diện tích 200ha.
Đặc biệt, đã có 2 DN được UBND tỉnh giao đất phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là Công ty TNHH hai thành viên Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp VinEco Tam Đảo và Công ty Nông nghiệp công nghệ cao.
Theo kết quả khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Đầu tư và phát triển nông nghiệp DKC (khu 4, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), mỗi vụ công ty trả cho hộ nông dân 150kg thóc/sào gọi là tiền sản, gấp gần 10 lần hoạt động sản xuất bình thường. Ngoài ra, nông dân nhường ruộng còn được tuyển vào làm công nhân ngay tại cánh đồng với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng hoặc 200.000 đồng cho mỗi ngày công 8 tiếng. Cứ 10 sào ruộng cho DKC thuê, sẽ có một công nhân được nhận. Ngoài diện tích thuê cụ thể theo dạng hợp đồng 20 năm ký một lần chừng gần 100ha, công ty liên kết với rất nhiều hộ nông dân theo hình thức cấp vốn đầu tư và bao tiêu sản phẩm. /.
Theo: Hà Hiền - Trần Dũng/danviet.vn