Lấy nước vụ đông xuân hiệu quả, có thể tiết kiệm 2 tỷ m³ và hàng nghìn tỷ đồng
- Thứ năm - 06/02/2020 01:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và TP Hà Nội kiểm tra công trình đầu mối trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Minh Phúc. |
Có thể tiết kiệm được khoảng 2 tỷ m³ nước
Sáng 6/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra công tác lấy nước đổ ải vụ đông xuân 2019 – 2020 tại một số công trình đầu mối như trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây) và trạm bơm Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai). Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, ngay sau đợt 1 lấy nước, chúng ta đã đạt 54% kế hoạch. Và nhờ có đợt mưa lớn vào dịp Tết nên diện tích đủ nước đã tăng thêm 30%.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NN-PTNT đang tính toán để rút ngắn một số ngày xả nước trong đợt 2. Ảnh: Minh Phúc. |
Hiện tại, diện tích đủ nước bình quân tại 12 tỉnh, thành vùng Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đạt trên 90%. Trong đó, đại bộ phận các tỉnh đều đạt 100%. Chỉ còn Hà Nội hiện nay mới đạt 72% và một phần nhỏ của Nam Định cần đẩy mạnh để lấy.
“Chúng tôi đánh giá vụ đông xuân 2019 - 2020 chắc chắn đảm bảo kế hoạch đủ nước để sản xuất”, theo Thứ trưởng Hiệp, Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan đang tính toán, trong đợt 2 có thể giảm khoảng 3 ngày xả nước các hồ thủy điện và bổ sung vào đợt 3 khoảng 1 -2 ngày cho phù hợp với kế hoạch gieo cấy của TP Hà Nội.
Dự kiến, tổng lượng xả nước tăng cường các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm nay khoảng 3,5 tỷ m³. Như vậy, chúng ta sẽ tiết kiệm được hơn 2 tỷ m³ nước so với vụ đông xuân năm trước.
“Tập đoàn Điện lực đã phối hợp rất tốt với Bộ NN-PTNT để cấp nước vụ đông xuân, thậm chí thực hiện vượt tất cả cam kết từ trước đó”, Thứ trưởng Hiệp nói.
2 tỷ m³ nước có thể thu 1.400 tỷ đồng
Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, như mọi năm, kết thúc 3 đợt xả nước tăng cường thì diện tích đủ nước bình quân tại các tỉnh Trung đu và Đồng bằng Bắc bộ đạt trên 90%.
Các nhà máy thủy diện phát điện bình thường và địa phương sẽ chủ động cấp nước cho các diện tích gieo cấy còn lại. Do đó, chúng ta có thể kết thúc đợt 2 lấy nước sớm.
Các tổ máy tại trạm bơm Phù Sa đầy ắp nước. |
“Nếu sửa dụng 1 tỷ m³ nước để phát điện vào tháng 4, tháng 5 có thể thu 700 tỷ đồng. Nên đây là nguồn tài nguyên rất quý giá”, ông Hải chia sẻ.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội thông tin: “Thời điểm hiện tại, Hà Nội đã cấy được hơn 17.000 ha, đạt 19% so với kế hoạch. Hai “điểm nóng” thường xuyên chậm tiến độ lấy nước nằm trong vùng phục vụ của trạm bơm Phù Sa (Sơn Tây) và trạm bơm Thanh Điềm (Mê Linh) đã chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến, có thể vận hành trong điều kiện mực nước thấp”.
Ông Hoàng Trung Hải động viên công nhân trạm thủy nông Vĩnh Phúc (Quốc Oai, Hà Nội). |
Tuy nhiên, với tiến độ lấy nước như hiện nay, dự kiến đến ngày 9/2 thì thành phố cơ bản lấy đủ nước để gieo cấy. Tuy nhiên, một số địa phương của Hà Nội có truyền thống lấy nước muộn.
Do đó, ông Mỹ kiến nghị Bộ NN-PTNT rút ngắn 3 ngày lấy nước đợt 2 và bổ sung 1 – 2 ngày lấy nước đợt 3 để đảm bảo bơm nước cho một số vùng có truyền thống cấy lúa muộn.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, cho biết, đến nay diện tích gieo mạ đã hoàn thành 100% kế hoạch, do đó phải tập trung lấy nước và đến này 25/2 phải kết thúc, không được chậm trễ. Các huyện phải vận động bà con xuống đồng để cấy lúa đúng tiến độ.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NN-PTNT cam kết sẽ đầu tư xây dựng mới trạm bơm Phù Sa 2 trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng cần dành nguồn vốn để sớm đầu tư xây dựng trạm bơm Ấp Bắc và Liên Mạc vì đây là những công trình thủy lợi rất quan trọng của thành phố.
Sớm đầu tư xây dựng trạm bơm Liên Mạc Theo ông Hoàng Trung Hải, thời gian trước Tết Nguyên đán chung ta rất lo lắng về công tác đảm bảo nguồn nước vụ đông xuân. Nhưng với nỗ lực của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các địa phương thì đến nay công tác cấp nước đã vượt tiến độ. Ngoài thuận lợi về yếu tố thời tiết, chúng ta đã chủ động kế hoạch điều tiết nước từ rất sớm. Đặc biệt là sửa chữa, nâng cấp thêm các trạm bơm dã chiến để cấp nước lên ruộng. Đối với kiến nghị của đại diện Bộ NN-PTNT, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đáng lẽ trạm bơm Liên Mạc đã được đầu tư xây dựng rồi. Nhưng do có một số thay đổi quy định pháp luật liên quan đến các dự án BT nên công trình này bị đình trệ. Sắp tới, chúng tôi sẽ sử dụng nguồn ngân sách của thành phố để sớm đầu tư, vì đây đây là công trình quan trọng, vừa tưới, vừa tiêu cho TP Hà Nội. |