Lấy quy hoạch tạo “đòn bẩy” xây dựng nông thôn mới

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới có nhiều điểm mới với tính định hướng và thống nhất cao. Mục tiêu đặt ra, quy hoạch phải là “đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn.
Một góc trung tâm thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định - nơi sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng ở các địa phương. Xây dựng nông thôn mới là cốt lõi của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 26 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước để phát triển khu vực nông thôn.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xây dựng nông thôn mới chính là một cuộc cách mạng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, giúp người dân nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi nhằm chủ động tham gia, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Nông thôn Việt Nam trải dài và có đặc thù riêng của từng vùng, miền. Nếu so tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 35% thì tỷ lệ nông thôn vẫn rất lớn, tác động mạnh đến quản lý và phát triển xã hội. Bởi vậy, việc lập, quản lý, thực hiện quy hoạch nông thôn mới phải nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho cả người dân và chính quyền dễ thực hiện; tổ chức cuộc sống cho người dân thuận tiện cả trong sản xuất và sinh hoạt.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới có nhiều điểm mới với tính định hướng và thống nhất cao, vì vậy cần được hoàn thiện qua quá trình triển khai thực tế của từng vùng, miền. Mục tiêu đặt ra, quy hoạch phải là “đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn.

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới liên quan tới nhiều bộ, ngành và có đặc thù riêng. Yêu cầu đặt ra là phải quy hoạch đồng bộ từ xây dựng đến sản xuất và sử dụng đất. Mặc dù chủ trương này đã tạo được đồng thuận từ các địa phương nhưng vẫn còn nhiều bất cập do yếu tố vùng miền, văn bản quản lý nhà nước chưa đồng nhất. 

Thời gian đầu, việc lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án còn lúng túng, mất nhiều thời gian, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu quy hoạch phải đi trước một bước làm cơ sở cho việc triển khai đầu tư và phát triển kinh tế địa phương. Cùng đó, chất lượng đồ án tại một số địa phương chưa cao, không bám sát yêu cầu và tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Một trong những nguyên nhân được Bộ Xây dựng chỉ ra là vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với việc quy hoạch. Tuy nhiên, quy hoạch nông thôn mới được thực hiện theo lộ trình dài hạn nên muốn thành công phải từng bước thay đổi nhận thức của người dân, người quản lý và cả đơn vị tư vấn…; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn liên quan.

Theo Kiến trúc sư Vũ Hồng Sơn - Viện Quy hoạch xây dựng phát triển nông thôn, thời gian, chất lượng quy hoạch của nhiều địa phương không cao, niều xã mới dừng ở quy hoạch chung, thiếu cụ thể hóa cần thiết. Đặc biệt, quy hoạch của xã thiếu ăn nhập và chưa phù hợp với quy hoạch chung của huyện; quy hoạch của vùng nối liền hệ thống giao thông thủy lợi, cấp thoát nước, môi trường giữa các xã trong huyện chưa thống nhất.

Thêm một khó khăn được chỉ ra là nhiều xã hạ tầng kỹ thuật hạn chế. Khu trung tâm xã không có điều kiện mở rộng, nhiều xã thiếu sân vận động, nhà văn hóa, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, nghĩa địa, hệ thống giao thông, thủy lợi còn chắp vá, nên khi quy hoạch chi tiết là rất khó khăn. 

Đường nông thôn mới ở Hải Dương được quy hoạch và xây dựng khang trang. Ảnh: Ánh Hồng

Căn cứ vào các tiêu chí đề ra nên khi quy hoạch rất gò bó, cứng nhắc, tính khả thi kém, hiệu quả sử dụng thấp. Nhiều nơi xây dựng nhà văn hóa, khu vực xử lý rác thải, trạm cấp nước cho nông thôn nhưng hiệu quả sử dụng rất thấp. Cùng đó, việc đền bù giải phóng mặt bằng nhiều nơi còn khó khăn; chủ yếu là thiếu kinh phí để đền bù, một số nơi tính toán chưa đầy đủ nên dân không đồng tình nên tiến độ chậm – ông Sơn dẫn chứng.

Để đáp ứng đòi hởi mới của thực tế, Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020. Đề án này nhằm cụ thể hóa Quyết định số 558/QĐ-TTg về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Theo đó, đến năm 2020 sẽ có 30% số huyện được lập quy hoạch xây dựng vùng huyện (ưu tiên các huyện có mức độ đô thị hóa cao); đồng thời, xác định các định hướng của một số ngành và lĩnh vực trong quá trình xây dựng nông thôn mới nhằm phục vụ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và phục vụ dân sinh gắn với các vùng sản xuất hàng hoá lớn trên địa bàn huyện và từng tiểu vùng trong huyện, làm tiền đề cho việc phát triển đô thị trên địa bàn huyện. 

Cùng đó, hướng phát triển, nguyên tắc áp dụng các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cho các khu chức năng, cơ sở hạ tầng nông thôn tại các huyện có tốc độ đô thị hoá cao (thuộc các đô thị lớn) cũng được xác định cụ thể để vừa đảm bảo yêu cầu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; đặc biệt là hạn chế đầu tư lãng phí hoặc gây bất cập cho quá trình phát triển đô thị. 

Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã lựa chọn 8 địa phương triển khai thí điểm gồm: Lào Cai, Bắc Giang, Nghệ An, Ninh Thuận lựa chọn các huyện nằm ngoài khu vực đô thị; Hà Nội, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu lựa chọn các huyện nằm trong đô thị và các huyện có kế hoạch trở thành đô thị năm 2020. 

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường trong quá trình đô thị hóa. Việc lập thí điểm quy hoạch xây dựng vùng huyện theo đề án“Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện” đã được thực hiện tại 8 huyện điển hình trên 6 vùng này. 

Ủy ban nhân dân các tỉnh còn lại lựa chọn 1 huyện đáp ứng tiêu chí lựa chọn huyện thí điểm để triển khai trong giai đoạn 2017 - 2020. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lựa chọn 1 huyện để triển khai thí điểm các định hướng và giải pháp xác định trong Đề án với một số tiêu chí như: gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; có tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn huyện cao so với các huyện trong toàn tỉnh; cơ bản hoàn thành quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; có kế hoạch xây dựng huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2017 - 2020. 

Năm 2017, cả nước tiến hành rà soát bổ sung các quy hoạch xây dựng (quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, quy hoạch xây dựng vùng huyện), quy hoạch phát triển ngành và lĩnh vực liên quan đến xây dựng điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện; lập quy hoạch xây dựng vùng huyện các huyện được lựa chọn thí điểm; lập quy hoạch chi tiết xây dựng các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện. 

Bước sang giai đoạn 2018 - 2020, toàn quốc sẽ thực hiện đầu tư xây dựng các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện. các hoạt động này cũng sẽ được tổng kết, đánh giá và nhân rộng ra các địa phương giai đoạn sau 2020./.