Lấy "visa" hữu cơ hay sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn?

Bộ Nông nghiệp đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên chú tâm vào sản xuất nông nghiệp theo chuẩn an toàn, trước khi nghĩ đến làm NNHC…

Có như VietGAP?

Theo lý giải trong dự thảo, nông sản hữu cơ đang trở thành mặt hàng mà Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các chuỗi bán lẻ toàn cầu nhưng hiện nay, ngành này vẫn dưới dạng quy mô nhỏ lẻ với nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau. Vì vậy, một hành lang pháp lý (ra đời nghị định – PV), theo bộ Nông nghiệp, sẽ hỗ trợ thúc đẩy sản xuất NNHC đi vào quy củ, tạo ra các sản phẩm được quốc tế chấp nhận…

Lấy "visa" hữu cơ hay sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn? - 1

Trước khi nói đến hữu cơ, nông nghiệp Việt Nam cần sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, nhắc đến NNHC, dù thế giới áp dụng từ lâu, còn Việt Nam mới nổi lên vài năm nay với một ít mô hình sản xuất khiêm tốn. Do làm hữu cơ, phải vượt lên trên mô hình nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn. Các yếu tố đầu vào phải “sạch” gần như tuyệt đối, trong khi Việt Nam lại không đáp ứng được. Cũng vì lý do này, nên trên thế giới, ít có nước nào dám phổ cập sản xuất hữu cơ. Vậy, liệu chúng ta có làm được rộng rãi mộ hình NNHC? Sẽ rất khó.

Trên lý thuyết, sản xuất hữu cơ là con đường thoát thân cho nông sản Việt Nam, nhưng để “phổ cập” nó thông qua một nghị định, giao việc quản lý, cấp giấy chứng nhận cho các sở nông nghiệp địa phương, thì e rằng không ổn. Trước hết, nguyên tắc muốn làm NNHC thì yếu tố đầu vào phải sạch, trong khi như đã nói, nhiều thập kỷ nay, môi trường đất, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đã bị ô nhiễm nặng. Mỗi năm, chúng ta vẫn vô tư xài hàng trăm ngàn tấn thuốc trừ sâu, đa số nhập từ Trung Quốc, cùng hàng chục triệu tấn phân bón hoá học. Con cá, con tôm, hạt gạo xuất khẩu đang bị thế giới trả về vì mất an toàn. Giờ, đặt vấn đề làm hữu cơ, liệu bộ Nông nghiệp có dám ngưng sản xuất hai ba năm, tẩy cho sạch đất, cho sạch nguồn nước? Nếu làm vậy thì lấy gì mà trồng trọt, lấy gì ăn, hàng hoá đâu xuất khẩu?

 

 

“Làm NNHC phải có diện tích đất lớn, tạo vùng đệm an toàn, nhưng Việt Nam quy mô hạn điền vẫn bị chi phối bởi luật định, nếu phổ cập, khuyến khích xuống nông hộ như dự thảo của bộ, lại càng không hợp lý!”, giám đốc một doanh nghiệp đang áp dụng mô hình rau hữu cơ, nói thêm.

Nông nghiệp Việt Nam từng áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP… VietGAP là tiêu chuẩn made in Việt Nam. Tuy nhiên, bây giờ, hỏi 100 người tiêu dùng về uy tín VietGAP thì chắc hẳn, số đông sẽ trả lời không tin, vì lâu nay loại chứng chỉ này người ta vẫn đem ra mua bán công khai được. Số phận NNHC sẽ ra sao, nếu thành?

Làm tiêu chuẩn trước khi nghĩ đến hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp theo mô hình nào, tiêu chuẩn nào, giấy chứng nhận nào thì điều tiên quyết là yếu tố thị trường. Dù có đủ thứ giấy tờ chứng nhận, nhưng thị trường không chấp nhận cũng là hoang phí. Do đó, nên xem chứng nhận hữu cơ hay bất cứ loại chứng nhận nào khác cho hàng hoá nông sản chỉ giới hạn là một dạng visa. Khi nào thị trường có nhu cầu thì người sản xuất bỏ kinh phí ra làm. Cũng có người nhiều tiền xin visa trước, khi nào cần thì sử dụng.

Hiện nay, Việt Nam cũng có một số đơn vị làm hữu cơ cây rau, hồ tiêu, trái cây… do tổ chức Control Union cấp giấy chứng nhận, đang phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ. Đa số hàng hoá hữu cơ chỉ tiêu thụ nội địa, xuất khẩu chưa nhiều. Ngoài hữu cơ ra, hàng nông thuỷ sản xuất khẩu chủ yếu đang đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Một vùng nuôi cá tra không giới hạn diện tích đăng ký, để đạt được giấy chứng nhận Thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt (BAP) phải bỏ ra chi phí 6.500 USD/lần cấp/vùng nuôi. Phí đánh giá lại hàng năm bằng cấp lần đầu. Đơn vị được cấp BAP còn phải trả thêm khoản phí 1,25 USD cho mỗi tấn cá, tấn tôm. Với giấy chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council – hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản), chi phí bỏ ra cho mỗi vùng nuôi còn lớn hơn, do bỏ tiền để phải tham vấn cộng đồng, điều tra môi trường, an toàn sinh học vùng nuôi… Dù bỏ ra số tiền lớn, nhưng đổi lại, họ được thị trường châu Âu, Mỹ chấp nhận mua giá cao hơn.

Từ phân tích trên, không nên đặt vấn đề lấy bằng được tấm visa hữu cơ, mà hãy nghỉ đến áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn. Hiện nay, bất cứ thị trường khó tính nào cũng đều áp dụng bộ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, chứ không đặt nặng đến thương hiệu hữu cơ.

Việc làm cấp bách là phải giảm dần việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân hoá học; loại dần các loại độc hại để tiến tới áp dụng quy định hàm lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Bảo Ngọc (Dân Việt)