Liên kết 6 ‘nhà’ để chủ động tìm đầu ra cho nông sản an toàn

Liên kết 6 ‘nhà’ để chủ động tìm đầu ra cho nông sản an toàn
Hà Nội sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm với sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học – Doanh nghiệp - Ngân hàng - Nhà phân phối. Đồng thời chủ động nắm chắc thông tin thị trường cung cầu nông sản để điều chỉnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường và chủ động tìm đầu ra cho nông sản an toàn.
Liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn. Ảnh: Thùy Linh

Những năm qua để đưa sản phẩm nông sản vào hệ thống bán lẻ hiện đại tiêu thụ, HTX nông nghiệp hữu cơ Tiến Dương (huyện Ðông Anh) đã chuyển đổi phương pháp canh tác theo hướng bền vững, an toàn, đẩy mạnh dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, đơn vị đã đẩy mạnh quảng bá, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp bán lẻ để có đầu ra cho sản phẩm bền vững.

Ông Hoàng Văn Khảm, Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cho biết, rau, củ, quả của hợp tác xã chủ yếu cung ứng vào hai hệ thống siêu thị bán lẻ BigC và Vinmart, các bệnh viện, trường học lớn của Hà Nội. Nhờ cung ứng vào chuỗi nông sản an toàn, thương hiệu nông sản của hợp tác xã ngày càng được khẳng định, được người tiêu dùng đón nhận. 

Mặc dù đã có những bước tiến khả quan, song thực tế cho thấy quá trình tạo dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự bền vững. sự kết nối giữa sản xuất và phân phối thời gian qua vẫn còn yếu dẫn đến tình trạng hàng hóa, nông sản khó tìm đầu ra.

Đề cập đến những khó khăn trong tạo dựng chuỗi liên kết cung ứng, tiêu thụ hàng hóa tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối” tổ chức mới đây đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Đỗ Hoàng Thạch cho rằng, nhiều địa phương mặc dù có mô hình sản xuất sản phẩm tốt nhưng rất khó khăn trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp bán lẻ, nguyên nhân là do sản xuất quy mô nhỏ nên doanh nghiệp phân phối thiếu thông tin để có thể liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, một yếu tố quan trọng khiến việc đưa hàng hóa, nông sản Việt vào siêu thị trở nên khó khăn là do người nông dân, nhà sản xuất chưa kiểm soát, bảo đảm được chất lượng hàng hóa để đạt tiêu chuẩn đưa vào siêu thị. Trên thực tế, nhiều sản phẩm hàng hóa, nông sản chưa bảo đảm vệ sinh, chưa có mã số, mã vạch; mẫu mã, bao bì không bắt mắt, cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…

Tạo chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn

Để có thể đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại, bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Central Group cho biết, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cơ sở sản xuất nông sản cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hồ sơ (đăng ký kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm, báo giá, hàng mẫu...). Căn cứ trên các thông tin này, phía hệ thống bán lẻ sẽ tổ chức kiểm tra, kiểm định sản phẩm và đánh giá đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để cung ứng hàng hóa vào siêu thị hay không. Với những điều kiện này, buộc các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất, hoạt động theo hướng quy mô, chuyên nghiệp và bài bản hơn. Nếu cộng tác chặt chẽ với hệ thống phân phối bán lẻ, các cơ sở sản xuất sẽ có thông tin để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, thuận lợi trong việc xâm nhập vững chắc vào hệ thống phân phối hiện đại.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, mặc dù nhu cầu nông sản của thị trường Hà Nội khá cao nhưng chỉ có 20% các loại nông sản, thực phẩm được phân phối qua hệ thống các siêu thị, 80% còn lại được phân phối, tiêu thụ thông qua hệ thống chợ truyền thống. Vì vậy cùng với việc mở rộng kênh tiêu thụ nông sản thực phẩm qua hệ thống siêu thị, thì việc củng cố chợ đầu mối, chợ truyền thống đáp ứng yêu cầu về giao thương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ là đòi hỏi bức thiết.

Tại Hội nghị liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững giữa Bộ NN&PTNT với UBND TP. Hà Nội, Phó chủ tịch Thường trực TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, Hà Nội sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm với sự gắn kết chặt chẽ giữa: Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học – doanh nghiệp - Ngân hàng - Nhà phân phối. Đồng thời chủ động nắm chắc thông tin thị trường cung cầu nông sản để điều chỉnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường và chủ động tìm đầu ra cho nông sản an toàn.

Có thể thấy, việc kết nối giữa các “Nhà” sẽ tạo ra một chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn một cách bền vững. Hệ thống bán lẻ được đáp ứng nhu cầu về nguồn hàng chất lượng, thường xuyên; đơn vị sản xuất có “đầu ra” ổn định để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh...

Theo Thùy Linh/thanglong.chinhphu.vn