Liên kết chuỗi giá trị: Tránh tình trạng ‘được mùa, mất giá’

Liên kết chuỗi giá trị: Tránh tình trạng ‘được mùa, mất giá’
Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản bị dư thừa nguồn cung khiến giá giảm mạnh, nông dân thua lỗ. Trước thực trạng đó, các địa phương đã đẩy mạnh liên kết chuỗi, xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ nhằm kiểm soát được an toàn thực phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và tránh tình trạng “được mùa - mất giá”.
Liên kết chuỗi giúp tiêu thụ được nông sản. Ảnh: Diệu Anh

Nhiều lợi ích thiết thực

Thực tế những năm qua, các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn Hà Nội. Theo thống kê, Thành phố đã xây dựng và phát triển được 115 mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. Đáng chú ý, hiện có 54 trong tổng số 115 chuỗi có sự tham gia của các hợp tác xã (chiếm tỷ lệ gần 50%). Các mô hình liên kết trong sản xuất - tiêu thụ với sự tham gia của các hợp tác xã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp, từ trồng trọt, chăn nuôi tới xử lý môi trường.

Mới đây, tại Hội thảo “Tăng cường liên kết sản xuất và kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị", chia sẻ về lợi ích liên kết chuỗi, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả an toàn Đông Xuân (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn) Trần Ngọc Liên cho hay, tham gia liên kết theo chuỗi, cả doanh nghiệp và nông dân đều hưởng lợi. Đơn cử như với hơn 120 ha trồng hoa nhài, nông dân Đông Xuân không còn lo về đầu ra nhờ HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định, liên tục với doanh nghiệp với mức giá không thấp hơn 35.000 đồng/kg.

Đối với sản phẩm dưa lê, từ chỗ chỉ có 20 hộ liên kết nhóm sản xuất, đến nay đã tăng lên 78 hộ tham gia HTX. Nhờ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm dưa của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng, sản lượng tiêu thụ hiện nay đạt trung bình 1-3 tấn/ngày.

Việc liên kết sản xuất - tiêu thụ đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các hợp tác xã. Đơn cử như tại hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), Giám đốc Nguyễn Văn Minh cho biết, đơn vị hiện đang sản xuất khoảng 20 ha rau an toàn. Nhờ sự giúp đỡ của Liên minh hợp tác xã TP Hà Nội, sản phẩm rau san toàn của hợp tác xã đã được cấp chứng nhận VietGAP, được gắn nhãn mác và có truy xuất nguồn gốc. Hiện, đơn vị đang hợp tác cung ứng sản phẩm rau an toàn cho 4 doanh nghiệp cùng 2 siêu thị lớn.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn hơn, cùng với ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất - tiêu thụ được xem là khâu hết sức quan trọng trong nỗ lực tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa nông sản an toàn và bền vững. Điều quan trọng nhất, là giúp giải bài toán “được mùa mất giá” cho các hộ nông dân.

Cần hài hòa lợi ích trong liên kết tiêu thụ

Tuy nhiên, hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức cho nên chưa hấp dẫn để thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia; nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh; phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi trên cơ sở phát huy lợi thế chưa trở thành phổ biến; thiếu giải pháp chính sách thực hiện hiệu quả, nhất là với khâu kết nối thị trường đang còn hạn chế; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn về đất đai, các vấn đề về môi trường, công nghiệp phụ trợ…

Để thúc đẩy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản và giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thì việc hài hòa lợi ích trong liên kết tiêu thụ sản phẩm là điều rất quan trọng, đòi hỏi các bên cùng chia sẻ.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần nhạy bén nắm bắt chính sách, đề xuất đúng và trúng với cơ quan nhà nước để lập kế hoạch phát triển lâu dài. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và các sở, ngành liên quan cần phân tách, làm rõ các nhóm cơ chế, chính sách với từng đối tượng (doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, người tiêu dùng) để đề xuất, triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của Thành phố.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành cho rằng, chính quyền địa phương cần chủ động tổ chức lại các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp, qua đó, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm...

Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng quan điểm, nông dân, hợp tác xã cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bởi, sản phẩm an toàn, chất lượng tốt nhưng không được nhiều người biết đến, thị trường không đón nhận thì giá trị sản phẩm không được nâng cao đồng nghĩa với thu nhập của nông dân, lợi nhuận của hợp tác xã cũng không tăng.

Bên cạnh đổi mới tư duy, nắm bắt tốt chủ trương, chính sách kịp thời, mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý; nghiên cứu nắm bắt thị trường để có chiến lược phát triển cho doanh nghiệp, hợp tác xã của mình bền vững.

Theo Diệu Anh/thanglong.chinhphu.vn